Người dân Lạc Sanh từ nay thoát khỏi cảnh sinh hoạt dưới ánh đèn dầu
Khu dân cư này gồm 14 hộ dân với 43 nhân khẩu, là khu kinh tế mới được hình thành từ năm 1978. 42 năm qua, người dân nơi đây chỉ sinh hoạt dưới ánh đèn dầu nên khu dân cư này còn gọi là xóm đèn dầu.
Niềm vui của người dân Lạc Sanh khi có điện
Tại buổi lễ đóng điện, ông Lê Minh Trung, Phó giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết trước nhu cầu bức thiết của người dân, công ty này đã tìm nguồn vốn và đầu tư công trình điện Lạc Sanh với mức đầu tư hơn 2 tỉ đồng để xây dựng 1 trạm biến áp 110Kva, trên 3km đường dây 22Kv và gần 1km đường dây hạ áp. "Đây là dự án đưa điện về vùng lõm cuối cùng của Phú Yên. Chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu 100% khu dân cư của tỉnh có điện lưới quốc gia" – ông Trung nói.
Đóng điện làng kinh tế mới Lạc Sanh
Chờ ngày đóng điện, ông Nguyễn Văn Sơn (58 tuổi ở làng Lạc Sanh) đã lắp sẵn bóng đèn và mua ti vi. Ngay sau khi đóng điện, ông vội vàng chạy về nhà, bật sáng tất cả các bóng đèn. Nét mặt ông rạng rỡ. "Tôi chịu khổ quen rồi, nhưng còn con cháu. Có điện là chúng mừng lắm. Không còn cảnh chong ngọn đèn leo lét để học" – ông Sơn nói.
Niềm vui người dân Lạc Sanh khi có điện
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ những khó khăn của người dân trong hơn 40 năm qua sống trong cảnh không có điện. "Tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành điện lực Phú Yên. Trong 90 ngày thi công trong điều kiện khó khăn lụt bão nhưng đã hoàn thành công trình này để giúp dân và còn lắp miễn phí công tơ điện đến từng nhà cho dân" - bà Thảo nói.
Làng cuối cùng ở Phú Yên được có điện lưới quốc gia
Cùng ngày, Tổng công ty Phát điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã trao 40 bộ máy vi tính cho 4 trường học ở Phú Yên là Trường Tiểu học An Dân, Trường THCS Lê Thánh Tôn (huyện Tuy An), Trường Tiểu học và THCS Phước Tân, Trường Dân tộc nội trú (huyện Sơn Hòa) với tổng trị giá 400 triệu đồng. Ngày mai, Tổng công ty Phát điện 2 tiếp tục gtrao 40 bộ máy vi tính cho các trường ở tỉnh Bình Định.
Bình luận (0)