Cây sâm báo được phát hiện ở núi Báo (tỉnh Thanh Hóa) từ thời Hồ Quý Ly, sau đó trở thành dược liệu quý dùng chữa bệnh và chế biến thực phẩm bổ dưỡng trong cung nhà Hồ. Sâm báo được coi là sản vật quốc gia thời vua Lê, chúa Trịnh sau này. Tuy nhiên, theo thời gian, sản vật "tiến vua" này bị mai một, chỉ còn mọc hoang trên núi. Gần đây, giống sâm quý này được người dân Vĩnh Lộc lấy hạt về phục hồi, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.
Thu nhập cao và ổn định
Làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc được xem là nơi phát hiện giống sâm quý trên núi Báo hơn 600 năm trước. Vì thế, cây dược liệu này có tên gọi là sâm báo. Nhờ khôi phục thành công diện tích đất trồng sâm báo nên hiện nay, loại cây dược liệu quý này trở thành cây trồng chủ lực, tạo nguồn thu ổn định cho người dân Vĩnh Hùng và nhiều xã trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.
Sâm báo là cây thân leo, thường mọc bò dưới đất hoặc cao 60-70 cm, ưa sáng; thích hợp với đất nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu được trồng và chăm sóc trong điều kiện tốt, cây có thể cho thu hoạch quanh năm. Vì thế, về vùng đất Vĩnh Lộc vào thời điểm nào, chúng ta cũng có thể được thấy những cánh đồng sâm báo xanh tốt.
Một cánh đồng sâm báo ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
Anh Đinh Xuân Tá (ngụ xã Vĩnh Hùng) cho biết trước đây, gia đình anh trồng lúa, ngô, mía rất vất vả nhưng thu nhập không cao. Từ khi chuyển qua trồng sâm báo, gia đình anh có thu nhập cao và ổn định. Với 2,5 ha sâm báo, tới vụ thu hoạch và bán ngay tại ruộng, anh có thể thu về gần 1 tỉ đồng.
Gia đình bà Hoàng Thị Thoa (ngụ xóm Đoài, xã Vĩnh Hùng) cũng vậy. Nhờ chuyển 5 sào đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng sâm báo mà nhiều năm nay, gia đình bà có nguồn thu ổn định từ 300-500 triệu đồng/năm.
Theo ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng, địa phương hiện có hơn 30 hộ dân trồng sâm báo với diện tích gần 10 ha. Nhờ trồng cây dược liệu quý này mà nhiều người dân trong xã đã vươn lên, có thu nhập khá.
Cây sâm báo đang trong thời kỳ ra hoa
"Sâm báo trồng ở địa phương được chế biến thành 2 loại sản phẩm bán ra thị trường là sâm khô và sâm ngâm rượu. Do được người tiêu dùng ưa chuộng nên sản phẩm của người dân làm ra đều được bao tiêu hết. Sản phẩm từ sâm báo cũng đạt chuẩn OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 3 sao của địa phương" - ông Cường cho biết.
Sâm báo có 2 loại, được phân biệt qua màu hoa đỏ và vàng. Loại hoa vàng có dược tính tốt hơn nên thường có giá trị cao hơn. Củ tươi của sâm báo loại hoa vàng có giá trên thị trường dao động từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng/kg. Với giá bán như vậy, theo tính toán của người dân địa phương, mỗi hecta sâm báo tại Vĩnh Lộc có thể mang lại thu nhập cho người trồng từ 300-600 triệu đồng mỗi năm.
Sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Theo nhiều người dân xã Vĩnh Hùng, sâm báo thường trồng vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm, cho thu hoạch bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12. Thời điểm chính vụ thu hoạch sâm báo thường vào tháng 11 và 12 hằng năm.
So với một số cây nông nghiệp khác, việc trồng sâm báo không quá khó. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng tốt và củ phát triển to đều, khi trồng cần quan tâm một số công đoạn. Chẳng hạn, khi củ sâm đang sinh trưởng, trong quá trình làm đất phải chú ý không nhổ cỏ dại mà chỉ phủ ni-lông diệt cỏ để tránh tác động. Sâm báo cũng là loại không ưa nước, rất dễ bị thối nên khi trồng cần làm luống cao, tránh để cây ngập úng.
Công đoạn sơ chế sâm báo của người dân địa phương
Theo báo cáo của huyện Vĩnh Lộc, toàn huyện hiện có khoảng 100 hộ dân trồng sâm báo với diện tích trên 31 ha. Sâm báo được trồng chủ yếu tại các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hưng. Sản phẩm chế biến từ sâm báo cũng đa dạng, như: cao sâm, nước uống bổ dưỡng, rượu sâm, si-rô sâm, mặt nạ sâm...
Để bảo tồn và nâng tầm giá trị cây sâm báo, năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ xây dựng mô hình sản xuất sâm báo gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc, giao Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn thực hiện. Đến nay, dự án đã xây dựng được 1 ha cây giống và 10 ha cây thương phẩm tại xã Vĩnh Hùng.
Ông Trịnh Việt Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc, cho biết UBND huyện đã phê duyệt đề án bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây sâm báo trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, năm 2021, huyện trồng 15 ha, năm 2022 nâng lên 25 ha. Đến năm 2025, mở rộng diện tích lên 120 ha và đến năm 2030, toàn huyện Vĩnh Lộc phấn đấu trồng được 250 ha, đưa sâm báo trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.
Ngoài Vĩnh Lộc, sâm báo cũng đang được trồng thí điểm tại xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa với diện tích khoảng 3 ha. Vụ thu hoạch đầu tiên, trừ chi phí, người dân Nam Xuân thu nhập ước đạt 100 triệu đồng/ha.
Do thổ nhưỡng phù hợp nên huyện Quan Hóa đã đưa mô hình trồng sâm báo vào nghị quyết. Huyện Quan Hóa phấn đấu tới năm 2025 sẽ trồng được 15 ha; qua đó tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo sử cũ ghi chép, năm 1397, để nhanh chóng dời đô từ Thăng Long về đất An Tôn (thuộc huyện Vĩnh Lộc ngày nay), Hồ Quý Ly sai lính ngày đêm đào thành đắp lũy. Trong một lần đi đốc thúc việc xây thành, ông chứng kiến nhóm thợ làm việc ngày đêm không biết mệt mỏi. Tìm hiểu, ông được biết nhóm thợ này quê ở làng Biện Thượng, trấn Thanh Đô (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc), do dùng thức uống nấu từ củ sâm trên núi Báo nên rất khỏe mạnh.
Hồ Quý Ly liền sai người săn tìm loài sâm quý này, mang về chế biến phục vụ quan quân tham gia xây thành đắp lũy. Sau đó, cây sâm này trở thành dược liệu quý dùng chữa bệnh và là thực phẩm bổ dưỡng chuyên dùng trong cung nhà Hồ.
Bình luận (0)