Bao giờ cũng vậy, cơ sở tăng giá là bám vào bình quân chu kỳ 15 ngày của giá thế giới kể từ thời điểm điều chỉnh giá gần nhất (quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP).
Và đợt này, một lần nữa cách điều chỉnh giá của liên bộ Tài chính - Công Thương lạc điệu với giá thế giới. Cụ thể, trong ngày 2-5, trong lúc giá xăng dầu tại Việt Nam tăng thì giá dầu thế giới giảm (dầu Brent biển Bắc giảm 1,62 USD/thùng, còn 70,56 USD/thùng; dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 1,86 USD/thùng, còn 61,74 USD/thùng); sang ngày 3-5, hai thị trường dầu kể trên tiếp tục đà giảm - theo Reuters.
Trước đó, giá trong nước không ít lần được điều chỉnh ngược chiều với sự biến động của giá thế giới, khi thế giới tăng thì trong nước có muốn tăng giá theo cũng không được vì phải đợi đủ chu kỳ 15 ngày; đến khi đủ ngày, trong nước tăng thì giá thế giới lại giảm. "Đi ngược gió" nhiều lần như vậy nên các bộ - ngành hữu quan bị hoài nghi về sự minh bạch trong việc điều chỉnh giá cũng như năng lực dự báo tình hình.
Ngay cả cơ cấu giá xăng cũng gây nghi ngờ. Trong 8 khoản chi phí đầu vào, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít là khoản rất vô lý, tại sao tới bây giờ vẫn còn bao cấp cho các công ty xăng dầu như vậy?
Rồi xăng sinh học E5, được chính liên bộ Tài chính - Công Thương khuyến dùng vì là xăng sạch, mức phát thải gây ô nhiễm môi trường cực thấp, mà sao lại phải chịu gần 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít, xấp xỉ xăng khoáng? Khoản thuế môi trường này người mua phải trả, nếu bóc tách ra và giảm mạnh, chẳng hạn chỉ tính một nửa, thì giá bán lẻ xăng E5 sẽ thấp hơn nhiều so với xăng khoáng, nhờ đó mới kích thích tiêu dùng được, đâu để E5 rơi vào cảnh sống dở chết dở như hiện nay.
Trong lúc cách tính giá điện mới đang còn khiến người dân tá hỏa thì đợt tăng giá xăng dầu lần này như một cú đấm bồi khiến họ choáng váng thêm.
Xăng dầu và điện là những mặt hàng thiết yếu, đã tăng giá rất nhiều lần và sẽ còn tăng nữa, thực tế cho thấy tăng mức nào thì người dân cũng phải chịu (không chịu cũng chẳng làm gì được!) nhưng vấn đề là phải công khai, minh bạch. Một lượng không nhỏ điện và xăng dầu được làm ra từ tài nguyên quốc gia, vốn đầu tư xây dựng nhà máy ban đầu cũng là từ tiền thuế của dân nhưng người dân không được giám sát gì cả, chỉ nghe báo lỗ và phải bù những khoản hạch toán tù mù thì vô lý quá!
Thế mà "ông" điện còn quay ngược lại dọa "thượng đế" rằng "nếu giải tán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì giá điện sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay" - lời ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN. Xin phản biện "ông" điện một câu: Từ trước tới nay EVN vẫn nắm ngành điện mà giá điện cứ tăng mãi đấy thôi, vậy thì giải tán hay không giải tán EVN đâu có ý nghĩa gì?!
Viễn thông cũng là ngành xương sống quốc gia, đã từng độc quyền nhưng khi thế độc quyền bị phá, có thị trường cạnh tranh thì giá giảm sâu, dịch vụ tốt hơn ngay. Còn điện và xăng dầu, đã độc quyền kinh doanh, được hưởng nhiều ưu đãi thì tinh thần phục vụ nhân dân phải đặt lên hàng đầu!
Bình luận (0)