Phóng viên ảnh Hoàng Triều: Mỗi câu chuyện là bài học cho nghề
Phóng viên Hoàng Triều tác nghiệp tại SEA Games 2021
Từ những ngày đầu tiên làm việc tại Báo Người Lao Động, tôi thường được phân công tác nghiệp nhiều nhất ở 2 mảng Thời sự và Công đoàn, có lẽ vì tác nghiệp nhiều ở mảng này mà tôi mới có duyên gặp nhiều nhân vật, những mảnh đời khác nhau. Với tôi mỗi một lần được gặp một nhân vật, nghe một câu chuyện, được cầm máy tác nghiệp đều là những kỷ niệm đáng nhớ. Mỗi câu chuyện là bài học cho nghề mà khi nhìn lại đôi lúc bản thân cảm thấy tiếc nuối vì thiếu sự chuẩn bị chu đáo để có thể làm tốt hơn.
Qua những phóng sự ảnh, tôi mong ước được sẻ chia với người nghèo, những người không may mắn trong cuộc sống. Đó là niềm vui, là hạnh phúc thực sự của người làm báo. Như khi bài phóng sự ảnh Lớp học đặc biệt của "Chú Bio" (đoạt giải nhất Giải báo chí TP HCM lần thứ 36 - năm 2018) ra đời đã giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tìm đến lớp học miễn phí này. Hay khi những loạt ảnh đầu tiên về ATM gạo được xuất bản, nó góp phần lan tỏa thông tin giúp những người thu gom ve chai, người bán vé số dạo, những người lao động tự do biết đến nơi phát gạo, thực phẩm miễn phí trong thời gian giãn cách xã hội tại TP HCM. Hoặc gần đây nhất là câu chuyện về "Căn nhà trọ đặc biệt của bệnh nhi ung thư" (đoạt giải nhì Giải báo chí TP HCM lần thứ 41 - năm 2023) cũng đã góp phần kết nối độc giả, nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài những nhân vật, tác nghiệp ở những sự kiện thường niên ở TP HCM, mảng đối ngoại đã giúp tôi có những chuyến đi đáng nhớ với những trải nghiệm không ngờ. Lần tác nghiệp đáng nhớ nhất phải nói đến là ở Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Thật sự, cơ hội để tôi có thể tác nghiệp tại một sự kiện tầm cỡ quốc tế như thế này là rất hiếm, đây cũng là dịp bản thân có thể trực tiếp học hỏi kinh nghiệm từ các hãng truyền thông hàng đầu thế giới.
Tôi luôn nghĩ thành công của nghề báo sẽ đến từ sự chăm chỉ, nỗ lực được thể hiện qua các tác phẩm báo chí có sức lan tỏa chứa đựng những thông điệp giá trị của cuộc sống.
Phóng viên Nguyễn Thị Thảo (THẢO NGUYỄN): Cứ có việc là đi
Phóng viên Thảo Nguyễn trong lần phỏng vấn lực lượng chức năng tại hiện trường
Hơn 12 năm gắn bó với nghề báo, có những lúc tưởng chừng như ngọn lửa đam mê đã tắt nhưng có những động lực lại kéo tôi về với nghề. Sự quan tâm, động viên của lãnh đạo báo, đồng nghiệp và niềm tin yêu của bạn đọc khiến tôi luôn trăn trở và mong muốn mình phải tạo ra được một giá trị gì đó, ít nhất là cho chính bản thân mình và những người đã tin tưởng. Thế nên, bất kể ngày hay đêm, xa hay gần, cứ có việc là đi.
Đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm trên đường tác nghiệp, tôi đã không ít lần bị hăm dọa, bị đập phá phương tiện tác nghiệp. Sợ nhất là thời điểm tôi đang mang thai bé thứ 2 được hơn 7 tháng. Lúc viết bài về sai phạm của một trường hợp nọ thì bị nhắn tin hăm dọa "đang mang thai thì ra đường nhớ cẩn thận". Hay vào tháng 3-2022, sau vụ việc cô gái tên K. nhảy lầu ở quán karaoke IDOL, tôi và phóng viên Sỹ Hưng được tòa soạn phân công điều tra về nạn karaoke thác loạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Mặc dù đã được phân công nhiệm vụ cụ thể nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng vì đây là đề tài nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều thành phần xã hội cũng như quyền lợi của nhiều người. Rất may khi loạt phóng sự lên bài đầu tiên vào ngày 12-6, giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc họp ngay trong sáng cùng ngày để kiểm điểm trách nhiệm cán bộ liên quan, cũng như tạm đình chỉ hoạt động đối với quán Karaoke IDOL (TP Dĩ An) mà báo đã phản ánh. Ngay trong đêm đó, Công an TP Dĩ An ra quân, kiểm tra đồng loạt nhiều quán karaoke trên địa bàn. Liên tục sau đó là lãnh đạo UBND TP Dĩ An, TP Thuận An ra công văn khẩn đề nghị các ngành chức năng phải vào cuộc kiểm tra sau phản ánh của Báo Người Lao Động; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành Công an kiểm tra các quán karaoke, thời gian sau đó là hàng loạt quán karaoke bị xử phạt, đình chỉ hoạt động...
Với nhà báo nữ như chúng tôi, càng ngược xuôi, xông pha vào những nơi nguy hiểm lại càng đòi hỏi sự kiên trì, bản lĩnh và lòng dũng cảm.
Phóng viên Thu Hồng: Đặt mục tiêu rồi... chạy
Phóng viên Thu Hồng nhập vai nữ lao công
Nghề báo vốn đã nhiều áp lực nhưng với phóng viên theo dõi thời sự thì áp lực còn nhiều hơn khi các sự kiện, thông tin cứ dội về hằng ngày.
Là phóng viên phụ trách mảng hạ tầng giao thông - một mảng nóng được Thành ủy và UBND TP HCM đặt ra rất nhiều mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, đôi lúc các sự kiện diễn ra đồng loạt khiến tôi phải chạy liên tục. Áp lực thời sự mỗi ngày khiến có lúc mình hụt hơi. Vậy làm sao có đề tài hay? Tôi tự đặt mục tiêu rồi... chạy.
Thực ra, tôi không đặt mục tiêu gì quá to tát, chỉ đơn giản là mỗi ngày làm sao phải bảo đảm tin, bài không thua báo bạn; cố gắng mỗi tháng tìm 1 hoặc 2 đề tài hay để khai thác sâu thành loạt bài có chất lượng. Loạt điều tra "Thế giới taxi riêng ở sân bay Tân Sơn Nhất" mà tôi cùng các đồng nghiệp thực hiện đoạt giải Báo chí Quốc gia năm nay là minh chứng.
Hơn 10 năm cầm bút, tôi vẫn đam mê, vẫn chạy, lăn lộn qua bao công trình, đến với những mảnh đời bất hạnh, với những đổi thay của thành phố, đất nước để ghi chép. Và cứ đặt mục tiêu rồi chạy tiếp. Cuộc sống báo chí là hơi thở của chính mình!
Phóng viên Cao Hải Định: Học được cách lớn lên
Phóng viên Hải Định (đang xuống tàu), chuyến tác nghiệp trên vùng biển các tỉnh miền Trung vào tháng 4-2023
Tại lễ trao giải Báo chí TP Đà Nẵng tổ chức ngày 17-6 vừa qua, tôi được ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - trao giải nhất tác phẩm "Theo dấu đoàn xe "ăn đêm phế thải"". Đó là một vinh dự không nhỏ đối với bản thân.
Có lẽ 3 tháng theo dõi, đeo bám đề tài điều tra đoàn xe chuyên "ăn đêm phế thải" là quãng thời gian khó quên trong đời làm báo của tôi. Không còn là bài học lý thuyết điều tra trên giảng đường, tôi phải chạm mặt, "đấu trí" với H. "trọc", chủ đoàn xe "ăn đêm phế thải" ở Đà Nẵng.
Sau thời gian dài theo dõi, tôi nhận thấy đoàn xe "ăn đêm phế thải" của H. "trọc" rất tinh vi. Hùng luôn cắt cử người cảnh giới nghiêm ngặt. Chỉ cần thấy người bám đuôi, các đối tượng liền áp sát dò la hoặc tạm dừng mọi hoạt động, nghe ngóng tình hình.
Do vậy, để qua mặt các đối tượng, bảo đảm an toàn bản thân, nhiều lần tôi phải thay đổi nhân dạng. Có lúc, tôi thuê xe tải, trở thành tài xế, phụ xe. Lúc lại thuê xe máy, hóa thân thành xe ôm công nghệ để dễ bề bám đuôi, thâm nhập... Nhờ vậy, dù đoàn xe luôn có 2-3 người cảnh giới nhưng không ai ngờ tài xế xe ôm công nghệ với chiếc xe cà-tàng lại là người đang theo đuôi, quyết đưa đoàn xe "ăn đêm" ra ánh sáng.
Phát hiện điểm đổ thải (tại khu vực xã Hòa Liên, quận Liên Chiểu), tôi nghiên cứu địa hình và quyết định chọn một ống cống để làm nơi ẩn nấp. Trời vừa sập tối, tôi liền thâm nhập bãi đổ, sẵn sàng chờ xe "ăn đêm". Đêm đó, tôi nằm cống suốt 6 giờ.
6 giờ chờ đợi là khoảng thời gian không dễ dàng. Có lúc, tôi nản lòng vì đói, khát, muỗi đốt lại lo sợ hành tung bị bại lộ như đã từng, kế hoạch bại lộ, mọi chuyện "xôi hỏng bỏng không", thậm chí nguy cơ bị chặn đường, hành hung giữa đêm là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, với "lửa nghề", tôi quyết đợi, thậm chí xác định tư tưởng sẽ ngủ lại trong lòng cống hết đêm nay.
Những ngày rong ruổi theo đoàn xe "ăn đêm", không chỉ bản thân liên tục bị đe dọa mà đến cả lãnh đạo VPĐD Báo Người Lao Động tại miền Trung cũng bị các đối tượng manh động, đe dọa. Tuy nhiên, vì "lửa nghề", chúng tôi quyết tâm làm đến cùng vụ việc, đưa đoàn xe "ăn đêm" ra ánh sáng. Kết quả, vi phạm của đoàn xe bị lực lượng CSGT, cảnh sát môi trường, thanh tra giao thông TP Đà Nẵng xử lý. Lực lượng chức năng cũng tổ chức đợt kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng các đoàn xe vận chuyển lợi dụng đêm tối để chạy ẩu, gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Thành công của loạt bài đã giúp tôi học được cách lớn lên qua sự dấn thân, trách nhiệm của người làm báo.
Bình luận (0)