Ngày 14-7, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã tổng kết kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10.
"Thiếu lửa" vì không có hoạt động chất vấn
Về kỳ họp thứ 9, Chủ tịch QH đánh giá kỳ họp đã tạo ra dấu ấn lớn trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao hoạt động của QH, bởi đây là lần đầu tiên QH có họp trực tuyến. "Cử tri nói kỳ họp vừa rồi hơi thiếu "lửa" vì không chất vấn trực tiếp, cử tri không hài lòng lắm vì đây là hoạt động cử tri rất quan tâm" - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhìn nhận phiên họp trực tuyến trong kỳ họp thứ 9 đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, vẫn duy trì không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi cũng như sự trang nghiêm của kỳ họp. "Chất lượng thảo luận, tranh luận được nâng lên với tinh thần thẳng thắn, đề cập những vấn đề mới, "nóng" trong xã hội. Đây là kinh nghiệm tốt để QH tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới" - ông Phúc nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý vẫn còn một số hạn chế như tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu và việc bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng đã gây khó khăn, áp lực trong việc chuẩn bị, tiến hành kỳ họp cũng như trong việc nghiên cứu, tham gia ý kiến của đại biểu QH. Ngoài ra, một số nội dung trình QH có chất lượng chuẩn bị chưa cao, có nội dung chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan của Chính phủ dẫn đến bị động trong thẩm tra, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện nội dung trình. Đối với hoạt động chất vấn được cử tri rất quan tâm, trong kỳ họp thứ 10 tới, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết QH dự kiến sẽ chất vấn trực tuyến các thành viên Chính phủ. Về kế hoạch cụ thể, kỳ họp thứ 10 dự kiến tổ chức 2 đợt, duy trì hình thức trực tuyến và tập trung. Theo đó, đợt 1 họp trực tuyến 9 ngày (từ ngày 19 đến 28-10), với các nội dung: nghe trình bày các tờ trình, báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; 4 dự án luật trình cho ý kiến. Hoạt động chất vấn trực tuyến các "tư lệnh" ngành sẽ được tiến hành trong đợt 1. Đợt 2 sẽ họp tập trung 9 ngày, từ ngày 3 đến 12-11.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo về việc ban hành Nghị định quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuậtẢnh: Quochoi.vn
Cẩn trọng khi phân quyền cấp phép
Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi. Đáng chú ý, trong đó biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến những bất cập trong hoạt động này.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc ban hành quy định để quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là cần thiết, phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước. "Trong quá trình lấy ý kiến, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều thống nhất quan điểm cần có quy định quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng còn ý kiến khác nhau về biện pháp quản lý" - ông Nguyễn Ngọc Thiện nói và cho biết Bộ VH-TT-DL đã báo cáo, xin ý kiến thành viên Chính phủ về nội dung này theo 2 phương án. Phương án 1 là Bộ VH-TT-DL quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn. Phương án 2 là tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng thi người đẹp, người mẫu có nhiều cấp độ, để tôn vinh người đẹp là xu thế văn hóa tốt nhưng thời gian qua "quá loạn". Ông Phùng Quốc Hiển lo ngại nếu không cẩn trọng sẽ trở thành ngành kinh doanh béo bở vì mục tiêu lợi nhuận, vì mục đích không chính đáng mà làm méo mó ý nghĩa của các hoạt động này. "Gần như không có cuộc thi người đẹp, người mẫu nào mà không có lùm xùm, rất tốn giấy mực trên báo chí" - ông Phùng Quốc Hiển nói và bày tỏ lo ngại nếu phân cấp cho các địa phương quản lý, cấp phép các cuộc thi này. Từ những phân tích nêu trên, ông Hiển đề nghị có kiểm soát, hạn chế số lượng các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu trong năm, cũng như cân nhắc thẩm quyền cấp phép tổ chức.
Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, thận trọng việc phân cấp cho các địa phương quản lý, cấp phép các cuộc thi người đẹp, người mẫu vì liên quan đến quyền con người, Bộ Luật Dân sự, Luật Hộ tịch. Bà Tòng Thị Phóng cho rằng quá trình xây dựng Nghị định phải lưu ý các vấn đề này để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Giảm 30% thuế BVMT đối với nhiên liệu bay
Cùng ngày, với tỉ lệ 100% ủy viên tán thành, UBTVQH đã chính thức thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay. Theo đó, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít (giảm 900 đồng/lít), áp dụng từ ngày 1-8 đến hết năm 2020. Từ ngày 1-1-2021, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay quay trở về mức 3.000 đồng/lít. Đây là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bình luận (0)