Sáng 4-8, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biếtmấy ngày qua, mưa lớn kéo dài và sóng cao đánh liên tiếp vào đê biển Tây (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) làm thân đê bị sạt lở với chiều dài khoảng 300 m, dẫn đến nguy cơ vỡ đê rất cao. Bên cạnh đó, do triều cường dâng cao ở mực kỷ lục nên nước mặn đã tràn vào vùng ngọt hóa bên trong đê.
Đê bị sạt lỡ do sóng biển đánh liên tục dẫn đến nguy cơ vỡ đê
"Hiện, các ngành chức năng đang huy động lực lượng quân đội và dân quân tự vệ dùng cừ tràm, vải địa… để gia cố phần thân bị sạt lở. Đồng thời, dùng bao tải chứa đất đắp trên mặt đê để hạn chế nước mặn tràn vào bên trong, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân", ông Hoai thông tin thêm.
Sau khi thân đê bị sạt lở được gia cố và đắp bao tải chứa đất trên mặt đê ngăn nước mặn tràn vào thì tình hình đã tương đối ổn. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng vẫn đang canh trực 24/24 để phòng khi có diễn biến xấu xảy ra.
Mưa lớn kèm theo gió mạnh trong mấy ngày qua ở Cà Mau
Theo lời ông Hoai, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhận định trong tuần qua có động đất của Indonesia và vẫn còn dư chấn do ảnh hưởng nên nước biển dâng cao. Do sợ dư chấn tiếp tục ảnh hưởng nên đơn vị chủ động xử lý để đảm bảo an toàn.Trong thời gian tới, các ngành chức năng ở Cà Mau sẽ xử lý hoàn toàn để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
Tuyến đê phòng hộ biển Tây có vai trò ngăn mặn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt trực tiếp cho 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Vậy nên, nếu đê vỡ thì cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng và hàng chục ngàn héc-ta lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ bị thiệt hại nặng.
Một người dân cho biết đang "đứng ngồi không yên" vì diện tích lúa của gia đình có nguy cơ mất trắng nếu không may đê phòng hộ bị vỡ. Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh lực lượng chức năng tích cực hộ đê thì mọi người cũng bớt lo phần nào.
Bình luận (0)