Từ hôm nay 24 đến ngày 25-1, ngài James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thăm chính thức nước ta theo lời mời của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước, góp phần vào quan hệ "Đối tác toàn diện" Việt Nam - Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch trong cuộc gặp ở Washington, Mỹ tháng 8-2017- Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
Thời gian qua, quan hệ quốc phòng Việt Nam - Mỹ đã có nhiều tiến triển. Hai bên tăng cường hợp tác song phương trên cơ sở Bản ghi nhớ về thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng song phương ký năm 2015, trong đó bao gồm các lĩnh vực: Trao đổi đoàn các cấp, đào tạo, tham vấn đối thoại, an ninh biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa, đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh bao gồm rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc da cam/dioxin, tìm kiếm quân nhân mất tích và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Mỹ đã gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5-2016.
Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng giữa hai nước Việt Nam - Mỹ ra sao dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump?
Hàng không mẫu hạm của Mỹ sắp đến Việt Nam
Từ ngày 7 đến 10-8-2017 vừa qua, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu đã thăm chính thức Mỹ. Trong chuyến thăm, hai Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng thời gian tới theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và các văn bản đã ký kết, trong đó có vấn đề tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), tìm kiếm thông tin bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh cũng như hỗ trợ cho việc tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa, hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc...
Ngày 22-5-2017, Mỹ đã chính thức bàn giao 6 tàu tuần tra Metal Shark 45-foot (tương đương 14 m) cho Cảnh sát Biển Việt Nam để tuần tra liên bờ biển. Sau đó, ngày 25-5-2017, lực lượng Tuần duyên Mỹ đã bàn giao Tàu tuần duyên trọng tải lớn USCGC Morgenthau lớp Hamilton thứ 8. Con tàu này được đổi tên thành CSB 8020 nhằm giúp tăng cường năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động thực thi luật hàng hải, tiến hành tìm kiếm và cứu nạn, và các hoạt động ứng phó nhân đạo.
Đặc biệt, hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi về vấn đề tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam và thống nhất giao cho các cơ quan chức năng hai bên trao đổi, khi nào đáp ứng điều kiện về kỹ thuật sẽ tiến hành chuyến thăm vào thời gian thích hợp. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã đến thăm Bộ Tư lệnh lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ. Bà Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ), ngày 17-1 vừa qua tiết lộ chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam đã được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 3-2018. Được biết, đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975.
Còn cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 11 diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-10-2017 tại Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Tại Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, cũng như sự hợp tác có hiệu quả của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường an ninh, hòa bình tại khu vực. Ông James Mattis nêu rõ Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam ở những nội dung mà Việt Nam có nhu cầu. Trao đổi về an ninh khu vực, hai bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hợp tác trong ASEAN nhằm đảm bảo tự do và cởi mở ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các đối tác, trong đó có Việt Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
Chính quyền tổng thống nào, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ vẫn phát triển
Vào tháng 10-2017, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đô đốc Swift cho biết, trên cương vị là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, việc ông đến khu di tích Bạch Đằng Giang là biểu hiện cho thấy mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ.
Đô đốc khẳng định dù chính quyền của tổng thống nào lãnh đạo nước Mỹ đi chăng nữa, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ vẫn tiếp tục phát triển vì đó là "hướng đi chung" của cả hai nước. Việt Nam và Mỹ phải đối mặt với những thách thức chung và có cả những lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Gặp lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Đô đốc Scott Swift cho rằng tiềm năng hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam còn lớn, đồng thời khẳng định trên cương vị của mình sẽ nỗ lực đưa hợp tác quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Đô đốc Swift (bìa phải) cho biết trên cương vị là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, việc ông đến khu di tích Bạch Đằng Giang là biểu hiện cho thấy mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ - Ảnh: Đức Tùng
Và chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vẫn diễn ra như dự kiến dù chính phủ Mỹ đang đóng cửa do không có ngân sách "vì điều đó cần thiết cho an ninh quốc gia và mối quan hệ với nước ngoài", nhằm tăng cường hợp tác về quốc phòng. Tiếp xúc với các phóng viên tháp tùng, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh người Mỹ mong muốn chứng kiến Thái Bình Dương mãi thanh bình, để tất cả quốc gia sử dụng đại dương này và sinh sống ở đây đều thịnh vượng. Giới quan sát nhận định Việt Nam là một đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ trong khu vực. Dự kiến, ở Việt Nam ông Mattis sẽ bàn bạc vấn đề tự do đi lại ở Biển Đông. Ngoài ra còn một số vấn đề khác như: Triều Tiên, phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ Iraq và Syria trở về Đông Nam Á.
Ngay trước thềm chuyến thăm quan trọng này, chiều ngày 23-1, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, chứng kiến Lễ ký một bản ghi nhận ý định giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cục Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng Việt Nam để bắt đầu tiến tình xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa, điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, dự án kéo dài 5 năm với kinh phí 110 triệu USD để làm sạch đất ô nhiễm dioxin tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng sẽ sớm hoàn thành thành.
Bình luận (0)