xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quán hớt tóc ngày nào của cha

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Tất cả ngày Tết nghèo khó của chúng tôi thuở nào đều có được từ sức cần lao của cha mẹ

Trong không khí se lạnh cuối mùa đông năm nào, bọn trẻ chúng tôi nhặt những chiếc lá bàng đang rơi vàng đâu đó xâu thành chuỗi làm trò chơi. Mặc kệ cây thầu đâu (xoan) trước ngõ đang rụng dần mùa lá, hoài thai những ngày hoa tím, bụi tre trên đường làng ném những chiếc thuyền nhỏ đã úa sang màu đất, chao liệng trong cơn mưa bay rồi hạ xuống nhẹ nhàng lấp đầy trên lối đi.

Tranh thủ kiếm thêm mấy đồng

Tất cả bọn cây cối ấy dường như không thèm đếm xỉa đến sự vội vã của con người.

Chỉ có những đám lúa mùa đang lên xanh trên cánh đồng làm bận tâm những người mẹ khom lưng cào cỏ. Chỉ có những cành mai đang trụi lá, khoe những búp căng đầy trên mỗi cành nhánh là có chút gì đó liên quan đến cha tôi và những lão nông trong làng.

Quán hớt tóc ngày nào của cha - Ảnh 1.

Đường vào chợ Vải - nơi ngày xưa cha tôi từng đặt cái ghế hớt tóc

Mấy cụ già thì lụm cụm nhặt những trối tre vừa bửa gác lên chồ bếp để hong khô, dành cho nồi bánh tét cúng gia tiên. Họ dường như đã thấu hiểu lẽ tự nhiên của vòng quay nhân thế, nên từng động tác đều nhẹ nhàng, chậm rãi.

Ông Hòa vừa xong đợt rà phụ (bón phân thúc, phủ đất cho ấm gốc) mấy sào thuốc lá trên đồng đã vội quay về nhà lúc xế chiều. Ông mở cái tủ gỗ dưới bàn thờ tổ tiên, lấy ra bộ đồ nghề hớt tóc ngâm dầu lửa trong cái thùng đạn cũ. Lấy cái nịt da bò to bản, cái khăn vải sa-tanh trắng đã úa màu, tấm gương soi đã dùng nhiều năm và bê cái ghế gỗ tự đóng ra sân. Cột tất cả vào chiếc xe đạp sườn ngang, dắt bộ ra đầu xóm.

Quán hớt tóc ngày nào của cha - Ảnh 2.

Một tiệm hớt tóc ở làng quê Quảng Nam bây giờ

Đó là chiếc xe đạp mà ông đã phải cắn răng bán đi 200 xâu thuốc lá để mua về, cho dù bị ép giá, để làm phương tiện đi lại và chuyên chở từ nhà ra đồng.

Tựa cái xe vào bụi tre gai ven đường dẫn xuống phía chợ Vải của làng Thanh Quýt (thuộc thị xã Điện Bàn, Quảng Nam ngày nay). Đặt cái ghế, treo tấm gương soi và cái nịt da bò lên một gốc tre già và mở bộ đồ nghề hớt tóc ra chuẩn bị. Có ai đó hỏi: Thấy lão dọn quán thì không coi lịch mình cũng biết đã rằm tháng chạp! Ông Hòa hớt tóc trả lời: "Ừ thì phải tranh thủ kiếm thêm mấy đồng để lo vật hạng cúng ông bà và sắm sửa cho bọn nhỏ!".

Ông Hòa hớt tóc đó chính là cha tôi. Cha mẹ mất trước ngày ký Hiệp định đình chiến Genève năm 1954. Ông từ bỏ vùng tự do ở Tiên Phước (Quảng Nam) quay về làng, lo cho đàn em dại và cưới vợ để đỡ đần gia cảnh neo đơn, thiếu bàn tay phụ nữ.

Về làng là trở thành nông dân trên vài sào ruộng, làm thợ tre rồi kiêm cả nghề hớt tóc mà ông học được những ngày ở Hội An. Lại có năng khiếu vẽ, nên ông được giao thêm việc viết khẩu hiệu, bích chương cho làng trong những ngày lễ hội và cả vẽ bảng hiệu cho vài tiệm buôn dưới quốc lộ. Đủ thứ nghề, nên ông hay nói đùa "bá nghệ bá tri vị chi bá láp!" với bạn bè trang lứa.

Trở lại chuyện hớt tóc, nhờ có năng khiếu nên ông hớt đẹp. Lại hay kể chuyện Đông Tây kim cổ nên hấp dẫn khách hàng. Tiếng đồn lan ra, khách đông dần. Lại có nhiều chú em trong làng thích nên tìm đến ông xin thọ giáo.

Nhưng đó là về sau, khi ông đã mượn được miếng đất hơn 10 m2 để mở cái quán bằng tranh tre và mua thêm 2 cái ghế. Còn trước đó, ông đi hớt tóc dạo quanh mấy xóm, ai trả tiền thì lấy tiền, còn nhiều khi người ta dồn lại trả bằng lúa, bằng mít chín, ông cũng nhận tuốt và nhờ mấy chú em khuân về.

Đến khi ông mượn vốn trồng được vài mùa thuốc lá thì không hớt dạo nữa mà ở nhà trồng thuốc lá vụ Đông Xuân, chỉ đến rằm tháng chạp thì ra bụi tre dọc đường làng như đã kể, để hành nghề, để "lấy ngắn nuôi dài" và kiếm thêm tiền cho những việc không thể không làm vào ngày Tết.

Đồ nghề phải luôn sắc bén

Ông Hòa hớt tóc còn "đào tạo" được 2 ông em kế nghiệp, mà như ông nói là để phòng thân, có chiến tranh loạn lạc chi cũng kiếm được miếng ăn. Trong làng còn có thêm vài ba người nữa theo học nghề.

Nhưng kỹ năng "nắm đầu thiên hạ" của ông mới đáng nhớ. Tôi ghi lại sau đây những câu nghe thấy từ chính ông nói trong những lần dạy cho học trò. Đồ nghề phải luôn sắc bén, cuối ngày ngâm dầu lửa để sát trùng, sáng dậy lau khô sẵn sàng.

Ông dặn người thợ có giỏi mấy mà bộ đồ nghề không ra gì, cũng bỏ. Khi khách ngồi vào ghế, choàng cái khăn sa-tanh lên người họ thì miệng hỏi han ý họ muốn hớt kiểu gì rồi đưa 2 tay nắn quanh đầu họ như kiểu mát-xa nhưng thật ra là để tìm hiểu trên đầu khách có chỗ nào móp méo, chỗ nào có sẹo để tính trước cách cắt tóc cho mái đầu phẳng đẹp.

Cái kiểu mài lưỡi dao cạo trên chiếc nịt da bò của ông thì miễn chê. Kiểu liếc dao điệu nghệ, tạo ra âm thanh lạ. Kiểu ông nhịp chiếc kéo cắt tóc cũng nghe êm tai như một điệu nhạc nào đó, lúc dồn dập lúc buông lơi. Ông truyền bí kíp: Lúc dùng chiếc dao cạo cũng là một nghệ thuật, đang đi một đường cạo dài sau gáy hay dưới lồng ngực thì nên dừng lại ở chỗ nhạy cảm nhất rồi mới cạo tiếp, tạo cảm giác thích thú cho khách.

Ông lại nói, người thợ vừa hớt tóc nhưng còn cần phải biết kể chuyện, nói thời sự, bình luận cho hay. Muốn vậy phải mở radio nghe đài, học kiến thức phổ thông từ những cụ già trong làng, khách mới thích. Riêng việc này thì các đời học trò của ông không ai học được! Và như ông nói, đó là năng khiếu, thiên tư của mỗi người.

Hoài thai cho mùa sinh nở mới

Trở lại cái quán hớt tóc bên bụi tre làng từ hôm rằm tháng chạp của ông, tôi từng chứng kiến những khách đặc biệt là bạn cũ của ông thời "cướp chính quyền 1945" từ Hội An, Đà Nẵng cũng về đây để làm đẹp vào dịp cuối năm. Họ còn dẫn theo các em nhỏ và nhờ ông Hòa kể chuyện của làng quê cho chúng nghe.

Đó cũng là một "chuyên đề tủ" của ông. Có vị khách nói, nếu các cháu không nghe được chuyện ở làng, nó sẽ mất gốc! Vì văn hóa làng chỉ có ở làng, trong văn hóa đó còn là hình ảnh của tộc họ, tình làng nghĩa xóm. Chẳng hạn vì sao các tộc họ đều làm chạp mả, cúng tổ tiên vào tiết Đông chí, vì sao mỗi xóm đều có miếu âm linh để thờ cúng những người chết không có ai chăm sóc mồ mả. Có lẽ tôi học được ở cha mình về mối quan hệ làng xã từ những câu chuyện nghe lóm đó, ngay từ hồi mới 9-10 tuổi.

Quán hớt tóc ngày nào của cha - Ảnh 3.

Làng Thanh Quýt nhìn từ trên cao

Ông Hòa thu được những đồng tiền lẻ từ cái quán hớt tóc đó trong vòng nửa tháng. Đến tối 30 tháng chạp thì thu xếp đồ nghề chở trên chiếc xe đạp về nhà cúng gia tiên vào lúc giao thừa.

Trước đó, mỗi ngày vợ ông nhận được tiền từ tay ông để đi thẳng xuống chợ. Chợ cuối năm, thường hôm 30 Tết là chợ của người nghèo. Ở đó, bà Hòa tự tính toán mua sắm gì cho nồi bánh tét, cho mỗi đĩa cúng giao thừa, cúng mồng một, mồng hai. Bà cũng ghé tiệm may ở chợ để nhận vài bộ đồ cho con đã đặt và trả nợ cũ. Đứa lớn như tôi thì toàn mặc đồ xin về từ bà con ở Đà Nẵng.

Ôi! Tất cả ngày Tết tuy nghèo khó của chúng tôi đều có được từ sức cần lao của cha mẹ như đã kể. Chợ Vải nổi tiếng một thời vì liên quan đến nghề dệt vải cung cấp cho thị trường Hội An ngày xưa, bây giờ chỉ còn trong ký ức nhưng cái quán hớt tóc ở bụi tre làng của cha tôi tự khi nào đã trở thành hình ảnh không thể phai mờ trong tâm trí của nhiều người dân làng tôi, nó lại hiển hiện vào những ngày cuối đông, khi những chiếc lá vàng của cây cối đang rụng xuống để hoài thai cho một mùa sinh nở mới của tạo hóa... 

"Cuối năm thường gợi nhớ những kỷ niệm. Ký ức của tôi trong những ngày cuối năm giờ cũng đang trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ, vào chính những ngày cha mẹ tôi đã theo ông bà.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo