Ngày 16-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Mất quyền lợi vì không được thường trú
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Dương Đình Thông (Bắc Giang) chỉ ra thực trạng: Hiện nay, nhiều người dân, đặc biệt là lao động nhập cư vì tình trạng cư trú mà gặp khó khăn trong việc tiếp cận điều kiện cơ bản như giáo dục, y tế, văn hóa… Vì vậy, đề nghị bổ sung vào dự luật quy định cấm hành vi lợi dụng việc quản lý cư trú để gây khó khăn, trục lợi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đồng tình quan điểm này, ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) nhấn mạnh hiện có nhiều công dân sinh sống, làm việc rất lâu ở các TP nhưng không đăng ký thường trú được do không đủ điều kiện. Có nhiều cơ quan, đơn vị "ăn theo" hộ khẩu thường trú, hạn chế quyền lợi công dân.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lần này đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương. Cơ quan soạn thảo cho rằng việc quy định các điều kiện chặt chẽ trong đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương trên thực tế đã làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các TP lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Góp ý về sự thay đổi lớn này, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng bỏ rào cản đăng ký thường trú vào TP trực thuộc trung ương sẽ bảo đảm quyền tự do cư trú, song cần có quy định để đáp ứng về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu ở các TP lớn. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng đánh giá chính sách hạn chế nhập cư vào TP trực thuộc trung ương như hiện hành không những không phát huy hiệu quả mà còn làm hạn chế quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục của công dân.
Đại biểu Bế Minh Đức tham gia thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào ngày 16-6.Ảnh: NGUYỄN Ý
Băn khoăn về lộ trình bỏ sổ hộ khẩu giấy
Tại phiên thảo luận, hầu hết ĐB đều ủng hộ việc bỏ hộ khẩu giấy, chuyển sang hình thức quản lý dân cư, cư trú bằng mã số định danh cá nhân nhưng còn băn khoăn về tính khả thi khi thực hiện trên thực tế. Theo đó, hiện nay cả nước mới chỉ cấp mã số định danh cho 18 triệu công dân, như vậy từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2021 thì còn phải cấp mã số định danh cho 80 triệu công dân.
Với khối lượng công việc đồ sộ như vậy, ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ cần đưa ra lộ trình cụ thể, từ việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng thông tin, hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư và cán bộ thực thi.
ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TP HCM) nhìn nhận bước đầu thực thi chính sách mới sẽ có thách thức. Do đó, cần có lộ trình thích hợp, chỉ thực hiện khi các cơ quan quản lý hộ tịch cập nhật đầy đủ dữ liệu về cư trú công dân hoặc cho thí điểm ở một vài địa phương đã hoàn tất công việc này, bảo đảm tính hiệu quả.
Giải trình và làm rõ băn khoăn của các ĐB về tính khả thi của quy định bỏ hộ khẩu giấy, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết hiện ngành công an đã thu thập, đưa vào hệ thống dữ liệu khoảng 80 triệu công dân. Việc cấp mã số định danh cho 80 triệu công dân trong khoảng thời gian từ nay đến 1-7-2021 hoàn toàn có cơ sở để thực hiện bởi ngành công an đã xác định trong số 80 triệu này có khoảng 30 triệu công dân dưới 14 tuổi, do vậy ngành sẽ phân loại để thực hiện cấp trước cho 50 triệu người.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm có 178 văn bản các loại liên quan đến hộ khẩu giấy, trong đó có những văn bản sẽ mặc nhiên không còn hiệu lực khi bỏ sổ hộ khẩu. Đối với các văn bản còn lại, Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm các giao dịch của người dân.
Cùng ngày, với đa số ĐB biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Bảo đảm doanh nghiệp tiếp cận chính sách
Cùng ngày, góp ý tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2020, ĐB Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh 2 điều kiện để được giảm thuế thu nhập DN là: tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và sử dụng không quá 100 lao động.
"Như vậy, doanh thu trên 50 tỉ thì không được hưởng nghị quyết này. Tôi không đồng ý. Giả sử 1 DN có doanh thu 50 tỉ mà lao động tuyển được nhiều hơn 100 thì càng được hưởng chứ tại sao trên số đó lại không được hưởng? Vấn đề này tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại để có tính khuyến khích và động viên" - ĐB Thân nhấn mạnh.
Để bảo đảm tính khả thi và tạo điều kiện cho DN tiếp cận với chính sách, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ xem xét tạm ngừng hoặc giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra DN vào thời gian này để họ tập trung vào phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Bình luận (0)