Ngày 2-11, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, đã có những trao đổi về việc tỉnh chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4 của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4.
Theo ông Toàn, dự án thủy điện Đăk Di 4 (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty CP Cung ứng đầu tư và xây lắp (Công ty CP SIC) nghiên cứu đầu tư tại Công văn 1748/UB-KTN ngày 24-9-2003.
Ông Huỳnh Khánh Toàn khẳng định tỉnh chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4 của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 đúng luật
Dù vậy, doanh nghiệp (DN) đã không triển khai thực hiện dự án. Đến năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện với yêu cầu phải khởi công trong quý IV/2009 nhưng DN vẫn không thực hiện.
Năm 2014, sau khi rà soát, Bộ Công Thương thông báo Đăk Di 4 thuộc đối tượng các dự án thủy điện phải tạm dừng, chưa được đầu tư xây dựng trước năm 2015.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép Công ty CP SIC được phép triển khai dự án trên trong năm 2015 và Bộ Công Thương đã thống nhất.
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho chuyển chủ đầu tư từ Công ty CP SIC sang Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 và tiếp tục cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu DN ký cam kết tiến độ, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án.
Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 đã ký cam kết thực hiện dự án vào ngày 14-4-2016 với số tiền yêu cầu ký quỹ là 3,84 tỉ đồng, thời hạn nộp tiền chậm nhất vào ngày 14-5-2016. Tuy nhiên, công ty đã không nộp tiền theo đúng cam kết.
Qua kết quả kiểm tra thực địa và rà soát các báo cáo về hồ sơ, thủ tục dự án trên, tỉnh Quảng Nam nhận thấy DN đã không triển khai dự án theo đúng cam kết tiến độ kể từ năm 2003 đến nay, thực hiện các hồ sơ, thủ tục không đảm bảo yêu cầu tiến độ cam kết.
Ngoài ra, DN đã xây dựng trái phép tại khu vực mà tỉnh Quảng Nam mới chỉ cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư, chưa thống nhất quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tỉnh Quảng Nam cho rằng việc DN chậm nộp 3,84 tỉ đồng tiền ký quỹ đảm bảo dự án cho thấy năng lực tài chính rất hạn chế, không đảm bảo thực hiện dự án và đưa vào vận hành theo đúng cam kết tiến độ.
Chính vì vậy, ngày 17-3-2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn về việc chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4 của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4. Thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án trên đối với Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4.
Thủy điện Đăk Di 4 dự kiến xây dựng tại huyện Nam Trà My
Theo ông Toàn, sau khi tỉnh thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án, DN đã có đơn "kêu cứu" gửi UBND tỉnh, các bộ ngành và Chính phủ. Vừa qua, sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, giải quyết kiến nghị của DN, tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo cụ thể, nêu rõ quan điểm của tỉnh.
"UBND tỉnh Quảng Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong khuôn khổ theo các quy định của nhà nước nhưng Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 đã không triển khai trong thời gian dài nên UBND tỉnh Quảng Nam thông báo thu hồi chủ trương cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư là phù hợp với quy định của pháp luật, hợp tình, hợp lý" – văn bản báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định.
Ông Toàn cho biết thêm, hiện nay tỉnh đã giao Sở Công Thương lập bộ tiêu chí để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục triển khai đầu tư dự án trên. Trường hợp Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 đáp ứng được các yêu cầu trong bộ tiêu chí, muốn tiếp tục đầu tư dự án thì được tham gia đấu thầu.
Tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 12-2-2018, Bộ Công Thương cho hay thủy điện Đăk Di 4 thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Việc xem xét cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Nam.
Được biết, thủy điện Đăk Di 4 có công suất lắp máy 19,2 MW, điện lượng bình quân 59,523 triệu KWh/năm, dung tích hồ chứa 13,582 triệu m3.
Bình luận (0)