Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 19-8, Bộ Y tế công bố BN991 N.T.C (34 tuổi) là nam giáo viên công tác tại Trường THPT Nông Sơn (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Thầy giáo này ngụ tại TP Hội An, có đi coi thi tốt nghiệp THPT vào ngày 8 đến 10-8 tại Trường THPT Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Hai ngày qua, sau khi biết thông tin vợ thầy C. là ca bệnh 981 còn thầy C. bị nghi nhiễm, nhiều người đặt dấu hỏi, thậm chí trách móc vì sao thầy C. từng đến BV Đà Nẵng chăm vợ ốm, ngụ ở TP Hội An là vùng có dịch, đang bị cách ly xã hội nhưng vẫn đi coi thi. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thầy C. đã có những giải bày về những vấn đề trên.
Huyện Phước Sơn lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp tiếp xúc gần với thầy C.
Theo thầy C, vợ anh xuất viện vào ngày 17-7, thời điểm này chưa biết ở Đà Nẵng có dịch Covid-19. Đến ngày 30-7, sau khi Đà Nẵng ghi nhận nhiều ca bệnh, Bộ Y tế ra thông báo tất cả những ai trở về từ TP Đà Nẵng trong tháng 7 phải đi khai báo y tế. Ngày 31-7, hai vợ chồng giáo viên này đã đến Trạm Y tế xã Cẩm Thanh khai báo. Hôm đó cũng là ngày thứ 14 kể từ khi 2 vợ chồng nam giáo viên này trở về từ TP Đà Nẵng.
Sau khi khai báo y tế, cả hai vợ chồng không hề được các cán bộ y tế yêu cầu cách ly cũng không được thông báo việc lấy mẫu xét nghiệm. "Có lẽ vì vợ chồng tôi từ Đà Nẵng về đã qua 14 ngày rồi, lại không hề có dấu hiệu gì bất thường về sức khỏe nên cán bộ y tế không yêu cầu chúng tôi cách ly. Sau đó, hai vợ chồng cũng ở nhà tự cách ly, tự theo dõi tình hình sức khỏe vì mình về từ Đà Nẵng" – thầy C. cho hay.
Theo thầy C, khi nhận quyết định đi coi thi tại Trường THPT Khâm Đức, sức khỏe của anh và vợ hoàn toàn bình thường. Ngày 8-8, khi lên huyện Phước Sơn, thầy C. cũng đã khai báo y tế, được kiểm tra thân nhiệt và kết quả hoàn toàn bình thường.
"Khi nhận thông báo đi coi thi của sở, mình không có lý do gì để từ chối vì sức khỏe không có điều gì bất thường. Cũng không có giấy tờ quyết định phải cách ly tại nhà để gửi vào sở làm lý do từ chối đi coi thi. Mãi đến ngày 14-8, vợ tôi mới được gọi đi xét nghiệm sàng lọc. Sau khi vợ tôi có kết quả xét nghiệm dương tính thì tôi mới được yêu cầu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Nếu vợ tôi không được đưa đi xét nghiệm thì cũng không biết đường nào mà lần cả" – thầy C. giải bày.
Theo thầy C, anh chỉ là một trong những "nạn nhân" của dịch bệnh. Không ai muốn bản thân mình mắc bệnh, cũng không thể biết mình bị bệnh khi trở về từ TP Đà Nẵng đã 1 tháng rồi mà trong người không có biểu hiện gì. Dù vậy, hai ngày qua, khi đọc nhiều thông tin, bình luận của nhiều người trên mạng tỏ ý trách móc, anh cảm thấy rất buồn. Anh mong mọi người xem xét một cách thấu đáo, cảm thông, chia sẻ với 2 vợ chồng anh lúc này.
Liên quan đến sự việc này, ngày 19-8, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đã có thông cáo báo chí, cho hay trước đó sở đã yêu cầu các địa phương rà soát, ban hành quyết định về việc điều động, dừng điều động cán bộ coi thi. Trường hợp BN991 không có quyết định cách ly, tính từ thời điểm diễn ra kỳ thì thì anh C. trở về từ TP Đà Nẵng đã hơn 20 ngày.
"Các trường hợp liên quan đến dịch bệnh đều xảy ra và phát hiện sau khi tỉnh Quảng Nam tổ chức kỳ thi. Hiện nay, UBND tỉnh có công văn ngày 19-8 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh covid-19 trong tình hình mới, đã giao cho Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2; đồng thời chỉ đạo các trường THPT làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tâm lý cho các em học sinh để tập trung ôn tập thi đợt 2 đạt kết quả" - thông cáo của ông Quốc ký, nêu.
Bình luận (0)