Thứ Năm, 9/1/2025
xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quảng Ngãi gồng mình chống hạn

Bài và ảnh: Võ Quý Cầu

Khô hạn ở Quảng Ngãi khiến 11.600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 710 ha đất sản xuất không thể gieo trồng, 3.460 ha lúa và hoa màu thiếu nước tưới

Chưa có năm nào Quảng Ngãi đối diện với khô hạn như năm nay. Những ngày qua, hệ thống thủy lợi Thạch Nham tưới cho 20.000 ha lúa phải thực hiện tưới luân phiên vì không đủ nước. Các hồ đập còn lại đa phần nằm dưới mực nước chết.

Hồ chứa cạn kiệt

Nắng chói chang. Trên đường về Đức Phổ - huyện cực Nam của Quảng Ngãi, Trưởng Trạm Quản lý thủy nông Đức Phổ Huỳnh Thế Cường lắc đầu: "Hồ chứa nước đa phần cạn kiệt nên phải dùng máy bơm vét nước chống hạn mà thôi".

Dừng chân tại hồ chứa nước Sở Hầu (xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ), nơi vốn đầy ăm ắp nước tưới cho 104 ha lúa ngày nào nay đã cạn khô. Ba chiếc máy bơm được trạm lắp đặt để vét nước trong hồ ra tưới lúa.

Kỹ sư Võ Ngọc Chung, phụ trách điều tiết hồ chứa nước Sở Hầu, nói: "Nước hồ xuống thấp nên cách đây nửa tháng chỉ còn tưới được cho 15 ha. Phần còn lại dân tự cứu bằng cách đóng giếng khoan lắp máy bơm nước. Nhưng rồi 15 ha cũng không cung cấp nổi nên 5 ha đã bị cháy, giờ chỉ tưới được cho 10 ha theo kiểu tưới luân phiên".

Rời hồ chứa nước Sở Hầu, chúng tôi về hồ chứa nước Liệt Sơn (xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ). Đây là hồ chứa nước lớn thứ hai ở Quảng Ngãi (sau hồ Nước Trong), phục vụ tưới tiêu cho 1.450 ha lúa. Cái hồ "hoành tráng" này giờ cũng trơ đáy. Trạm thủy lợi cho vét một con lạch nhỏ để tận dụng nước chết trong hồ tưới lúa cầm chừng.

Huyện Bình Sơn - huyện phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, khô hạn chẳng kém gì Đức Phổ. Ông Phạm Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, đưa chúng tôi ra cánh đồng thôn Mỹ Long. 10 ha lúa đang giai đoạn làm đòng giờ đất đai nứt nẻ, lúa héo khô nhưng đành "bó tay" vì thiếu nguồn nước. Còn ở vùng xã Bình Phú, phía Đông của huyện Bình Sơn, nắng nóng kéo dài khiến cây trên rẫy vàng khô. Những ruộng mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Đường Phổ Phong cháy lá. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Phú, bà Nguyễn Thị Kiều Hoa, thở dài: "Toàn xã có 50 ha cây trồng thiếu nước tưới. 27,5 ha còn lại tưới nhờ đập Lồ Ồ và kênh Thạch Nham nhưng nước cũng đã yếu lắm rồi".

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 123 hồ chứa nước, trong đó đến thời điểm này có 67 hồ (chiếm 54%) đang ở dưới mực nước chết; 47 hồ (chiếm 38%) dung tích nước còn dưới 20%. Khô hạn khiến 11.600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 710 ha đất sản xuất không thể gieo trồng, 3.460 ha lúa và hoa màu thiếu nước tưới.

Quảng Ngãi gồng mình chống hạn - Ảnh 1.

10 ha lúa ở thôn Mỹ Long, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn chết khô vì thiếu nước

Quảng Ngãi gồng mình chống hạn - Ảnh 2.

Hồ chứa nước Sở Hầu, xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ đã xuống đến mực nước chết

Quảng Ngãi gồng mình chống hạn - Ảnh 3.

Khoan giếng lấy nước chống hạn ở xã Bình Phú, huyện Bình Sơn

"Còn tới đâu tát tới đó"

Trước khô hạn gay gắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương tăng cường chống hạn, đồng thời đề xuất UBND tỉnh trích ngay kinh phí 30 tỉ đồng để các địa phương và các đơn vị liên quan mua máy bơm, xăng dầu chống hạn.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo các địa phương trích kinh phí dự phòng chống hạn; yêu cầu các đơn vị như Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Trung tâm Nước sinh hoạt vệ sinh môi trường tỉnh lập dự trù kinh phí chống hạn đề xuất tỉnh phê duyệt. Các địa phương ven sông Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu, sông Vệ nhanh chóng lắp máy bơm bơm nước sông lên đồng chống hạn.

Tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, HTX Bình Minh đã thuê máy nạo vét đưa nước sông Trà Bồng vào sông Sau rồi lắp máy bơm bơm tưới. Các hồ chứa cạn kiệt ở huyện Bình Sơn cũng vét nước hồ đưa máy bơm chống hạn như thế. Tại đập Gia Hội (xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn) hơn 10 ngày qua đã tiến hành nạo vét hồ đưa máy bơm để bơm nước vào kênh chống hạn. "Chúng tôi sử dụng kinh phí cấp bù thủy lợi phí để lắp máy bơm chống hạn ở 8 hồ chứa. Nước quá yếu nên... còn tới đâu tát tới đó" - ông Nguyễn Tấn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Thanh Đông, nói.

Còn ở xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, sau khi các hồ chứa trên đồng khô kiệt nguồn nước, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã này chọn giải pháp khoang giếng ngay trên cánh đồng để lấy nước. Ông Vũ Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, lo lắng: "Toàn huyện hiện có 1.198 ha cây trồng bị khô hạn nên ngoài chuyện đóng giếng trên cánh đồng, bơm nước từ sông Thoa còn tận dụng kênh chìm đưa nước Thạch Nham về rồi bơm lên chống hạn".

Giải cứu đập Thạch Nham

Năm 1997, công trình thủy lợi Thạch Nham (nằm giáp ranh 3 huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa) được đưa vào sử dụng, ổn định nước tưới cho trên 50.000 ha đất canh tác ở 6 huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và thị xã Quảng Ngãi. Đây là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Khó khăn nhất là hiện nay đập Thạch Nham đang mất nguồn "viện trợ" nước. Con đập lớn này vốn nhận nước từ sông Re, thủy điện Đakdrinh và hồ chứa nước Nước Trong. Thế nhưng hiện tại, nước sông Re đã khô cạn, trong khi hồ chứa nước Đakdrinh chỉ xả nước phát điện 20 m3/giây với thời gian xả 12 giờ/ngày. Những ngày qua, để "giải cứu" đập Thạch Nham, hồ Nước Trong tăng cường xả nước nên dung tích của hồ này cũng xuống thấp, chỉ còn 17%.

Trước tình hình cấp bách, tỉnh Quảng Ngãi khẩn cấp đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép các thủy điện trong khu vực tăng cường phát điện 24/24 giờ mỗi ngày để nước về đập dâng Thạch Nham với lưu lượng 30 m3/giây. "Trong khi chờ cấp trên chấp thuận, đập dâng Thạch Nham đành phải xả nước luân phiên theo phương án 5 ngày xả 5 ngày nghỉ tại 2 kênh chính Bắc và chính Nam của công trình. Phương án này cũng chỉ cầm chừng, tưới ướt, chứ không còn cách nào khác" - ông Hà Thế Vinh, Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, thông tin. 

anh torng box

Hồ chứa nước Mỹ Bình đã trở thành hồ “chết”Ảnh: ANH TÚ

Bình Định cùng chung cảnh ngộ

Nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến phần lớn hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Định rơi vào tình trạng khô kiệt, gần 11.500 ha lúa vụ thu thiếu nước trầm trọng.

Đầm Trà Ổ rộng khoảng 1.200 ha, nằm trong khu vực 4 xã phía Bắc huyện Phù Mỹ lâu nay chưa bao giờ cạn kiệt. Vậy nhưng hiện nay, đầm này đã cạn đáy khiến hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu ruộng đồng.

Tương tự, Mỹ Bình là hồ nước lớn nhất huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nhưng hơn 1 tháng qua, mực nước của hồ đã xuống mực nước chết. Trên 5.000 hộ dân ở vùng Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 140/165 hồ chứa thủy lợi cạn nước. Dung tích nước 25 hồ chứa còn lại chỉ là 142/585 triệu m3, đạt 24% dung tích thiết kế. Do không đủ nước tưới tiêu, gần 11.500 ha lúa vụ thu tại TP Quy Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tuy Phước... có nguy cơ mất trắng.

Đ.Anh

Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo