Theo Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2020 vừa được công bố, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu cả nước ở bảng xếp hạng PAR Index và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Sipas). Đây là năm thứ tư liên tiếp Quảng Ninh đứng ở vị trí quán quân về PAR Index và 2 năm liên tiếp chỉ số Sipas.
Doanh nghiệp đánh giá cao
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đánh giá kết quả nói trên minh chứng cho nỗ lực đổi mới không ngừng trong công tác CCHC, tư duy đột phá trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, qua đó củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp (DN). Trong đó, PAR Index của Quảng Ninh đạt 91,04 điểm trên thang điểm 100, cao hơn 0,53% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng (đạt 90,51).
"Nếu như đối với PAR Index, Quảng Ninh đã giữ vững được "ngôi vương" liên tiếp 4 năm liền thì sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục tăng lên khi chỉ số Sipas, Quảng Ninh lại lần thứ 2 được xướng tên ở vị trí cao nhất, với điểm số 95,76%, tăng 0,5% điểm so với năm 2019" - Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ nhận xét.
Người dân hài lòng với các dịch vụ công của tỉnh Quảng Ninh
Các chuyên gia đánh giá Quảng Ninh đã nỗ lực mạnh mẽ và đạt kết quả tốt trong CCHC, nâng cao chất lượng dịch vụ công và đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - yếu tố nền tảng để thúc đẩy các chỉ số CCHC và nâng cao chất lượng dịch vụ công khác. Kết quả đó cho thấy công tác CCHC của tỉnh có sự tiến bộ mang tính bền vững cao, thể hiện sự nhất quán, đồng bộ trong CCHC, trong chỉ đạo điều hành. Đây cũng là minh chứng sống động khẳng định cách làm đúng, hướng đi mới của tỉnh đã được người dân, cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.
Trái ngọt của sự đồng lòng
"Kết quả Quảng Ninh đạt được hôm nay là trái ngọt của sự đồng lòng, nhất quán từ tư duy cho đến hành động. Trong những năm qua, nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình, cách làm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC được thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt với tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân" - một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đánh giá.
Theo vị lãnh đạo này, việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thực hiện chủ động, quyết liệt. Nhiều mô hình mới đột phá được mạnh dạn thí điểm đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ. Hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh đã tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển.
Trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025, lần đầu tiên 4 chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR Index, Sipas, PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) được đưa vào thành một chỉ tiêu phấn đấu thực hiện, như một sự cam kết với nhà đầu tư, DN và nhân dân về xây dựng chính quyền phục vụ.
Cung ứng 1.600 dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã cung ứng 1.600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hoàn thành tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia 555 thủ tục. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn, tạo thuận lợi, thông thoáng cho DN, người dân. Nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 99,7% ở cấp tỉnh và 99,9% ở cấp huyện.
Quảng Ninh cũng tích cực chủ động vào cuộc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các DN. Điển hình đã ban hành 4 gói kích cầu du lịch trị giá hàng trăm tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính và điển hình nhất là có 73/92 kiến nghị của DN đã được giải quyết liên quan đến việc hỗ trợ về thuế, phí, vốn đầu tư, nguồn nhân lực...
Bình luận (0)