Sáng 4-10, theo ghi nhận của Báo Người Lao Động tại xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội; là quê hương cố Tổng Bí thư Đỗ Mười), người dân và chính quyền nơi đây đang gấp rút hoàn tất những công tác chuẩn bị cuối cùng để đón người con quê hương về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trên các trục đường dẫn vào xã Đông Mỹ, những ngày qua người dân đã chủ động dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ.
Dọc con đường dẫn vào khu đất nơi an táng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, hai bên đường hàng hoa tím được cắt tỉa gọn gàng, người dân tổ chức san phẳng những đoạn đường lồi lõm, những đoạn dây điện cũng được bắt lại gọn gàng.
Người dân dọn dẹp vệ sinh dọc đường xã Đông Mỹ
Trục đường vào khu an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được dọn dẹp sạch sẽ
Ông Lê Tuấn Minh, Bí thư Đảng uỷ xã Đông Mỹ, cho biết: "Công tác chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, dự kiến sẽ phải làm xuyên đêm nay (4-10) mới xong được. Do đường đi vào khu an táng khá sâu và đường nhỏ nên bây giờ phải mở rộng thêm đường và làm một số công trình xung quanh khu an táng vì dự kiến số lượng người trong lễ an táng cụ Mười sẽ rất đông".
Theo ông Minh, trong sáng nay 4-10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các lãnh đạo TP Hà Nội đã về xã xem xét, chỉ đạo công tác chuẩn bị cho lễ tang được chu đáo.
Nỗi lòng người quê
Cụ Nguyễn Duy Quốc (79 tuổi), một người dân xã Đông Mỹ, chia sẻ: "Chúng tôi là thế hệ sau anh Mười, dù không được tiếp xúc nhiều với anh nhưng tôi hiểu những đóng góp của anh Mười đối với quê hương thì không bao giờ kể hết được. Anh Mười là người con quê hương tuyệt vời, người con ưu tú của đất Đông Mỹ. Anh Mười ra đi và đã chọn quê hương làm nơi an nghỉ cuối cùng, đó là niềm vinh dự của quê hương. Tôi và người dân Đông Mỹ mong chờ từng ngày, từng giờ để đón người con ưu tú của quê hương trở về".
Cùng chung tâm trạng, bà Nguyễn Thị Thơ, người dân xã Đông Mỹ, ngậm ngùi: "Ông Đỗ Mười là một tấm gương sáng mà các thế hệ quê hương sau này phải noi theo. Ông mất đi, người dân Đông Mỹ ai nấy cũng đều xót thương, tiếc nuối. Những lần về thăm quê, dù trên cương vị là lãnh đạo hay người dân bình thường, ông Mười cũng đều giản dị, chân chất. Mỗi lần về quê với người dân Đông Mỹ là một lần ông nặng lòng vì bất cứ lần nào ông cũng đều trăn trở, hỏi han đời sống người dân, tình hình học tập giáo dục thế hệ trẻ, bao nhiêu gia đình còn là hộ nghèo…".
"Ông Mười đã chọn quê hương là nơi an nghỉ cuối cùng thì chúng tôi đây, những người dân, người con, thế hệ đi sau ông Mười đang mong ngóng đón ông trở về quê hương an nghỉ. Ai nấy cũng đang đều chung tâm trạng tiếc nuối cho người con quê hương xuất sắc"- bà Thơ nói.
Lực lượng chức năng bàn các phương án chu đáo cho ngày an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Ở ngôi nhà nơi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh ra, vì gian nhà cấp 4 quá nhỏ nên người nhà đã căng rạp, bàn ghế tiếp khách cũng được chuẩn bị.
Nhiều người trong họ cũng như hàng xóm đều tập trung đến nói chuyện, kể về những câu chuyện gắn liền với vị lãnh đạo gần dân, giản dị, chân chất. Ai nấy cũng đều ngậm ngùi thương tiếc và mong ngóng ngày nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trở về an nghỉ nơi quê hương.
Ngôi nhà nơi gắn liền với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được căng rạp phục vụ bà con, hàng xóm đến thắp hương
Tang lễ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tổ chức theo nghi thức Quốc tang.
Linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười quàn tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười bắt đầu từ 7 giờ, ngày 6-10-2018 đến 7 giờ 30 phút, ngày 7-10-2018 tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tổ chức vào 9 giờ ngày 7-10-2018, tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng từ 13 giờ cùng ngày tại quê nhà, Khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TP HCM cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Trong 2 ngày Quốc tang 6 và 7-10, các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Bình luận (0)