Ngày 25-6, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đã có buổi thị sát tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) TP HCM. Cùng đi có đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Giải ngân đúng tiến độ cho metro số 1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết mục đích của chuyến thị sát là để nắm bắt quá trình triển khai tuyến metro số 1. Trên cơ sở đó, căn cứ vào quy định và pháp luật hiện hành, QH sẽ cùng Chính phủ, TP HCM gỡ những điểm nghẽn của tuyến metro số 1 để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn cho dự án, phù hợp với hiệp định vay mà Chính phủ đã ký kết và tình hình thực tế. Ông Kiên nói thêm: "Qua chuyến tham quan thực địa và làm việc với UBND TP, đoàn tìm hiểu xem các dự án metro có thay đổi gì về thiết kế, kết cấu, hướng tuyến, chiều dài tuyến, công năng sử dụng của các nhà ga để dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án phải điều chỉnh đội vốn".
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thị sát tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) sáng 25-6 Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP, tính đến đầu tháng 6-2018, dự án tuyến metro số 1 đã hoàn thành 53% khối lượng công việc, giá trị giải ngân là 15.069 tỉ đồng, đạt 31,8% so với tổng mức đầu tư được duyệt. Hiện có 4 gói thầu chính của dự án đang triển khai thi công. "Nhìn chung, chất lượng công trình đến nay bảo đảm theo đúng thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật, đề cương quản lý chất lượng gói thầu quy định" - Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP đánh giá.
Tuy nhiên, công trình đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc điều chỉnh dự án và tăng tổng mức đầu tư từ 17.388 tỉ đồng lên 47.328 tỉ đồng do sự biến động giá của một số nguyên - nhiên vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định trong hơn 3 năm qua làm chi phí tăng; tăng khối lượng xây dựng khi điều chỉnh thiết kế cơ sở; do thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư như tỉ giá và các chi phí dự phòng, rủi ro, trượt giá đến năm 2019.
Bên cạnh đó, việc chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 3a và số 4 nên thời gian xây dựng hoàn thành toàn bộ tuyến metro số 1 là năm 2019, đưa vào vận hành năm 2020. Mặt khác, hiện giá trị vay lại vốn vay của chính phủ Nhật Bản tài trợ cho dự án chưa được xác định do ý kiến của Bộ Tài chính về các hạng mục thuộc diện vay lại của dự án còn có sự khác biệt với hướng dẫn của Bộ GTVT (cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao hướng dẫn cụ thể về các hạng mục áp dụng hình thức vay lại). Ngoài ra, công tác giải ngân vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương gặp khó khăn do kế hoạch vốn ODA được giao cho dự án không đáp ứng tiến độ giải ngân thực tế kể từ năm 2016 đến nay.
Khó tới đâu chung tay gỡ đến đó
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của các tuyến metro, UBND TP vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh - thành trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng đối với các dự án metro, thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các bộ - ngành trước khi trình Thủ tướng còn khá chậm. Thời gian chuẩn bị các dự án mất khoảng 2-3 năm nên khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thường phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, các dự án metro với đặc thù vốn đầu tư lớn (hàng tỉ USD), thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên sẽ do Thủ tướng phê duyệt. Do đó, thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.
Nói về kiến nghị này, ông Kiên cho biết Luật Đường sắt quy định các tuyến đường sắt đô thị do UBND tỉnh và TP trực thuộc trung ương quyết định đầu tư nhưng phải theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.
Ông Kiên nói thêm hiện QH đã ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Nghị quyết của QH có tính chất như là một luật, đạo luật nhưng nó khác đạo luật là có thời hạn để áp dụng. Vì thế, tất cả cơ quan của Chính phủ và QH phải có trách nhiệm phối hợp với TP HCM giải quyết công việc một cách có hiệu quả nhất. Theo đó, sẽ phân định rạch ròi những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của TP. Nếu cái nào vượt cả cơ chế đặc thù thì phải kiến nghị lên Chính phủ. Đồng thời, xem xét các kiến nghị của TP đối chiếu với nghị quyết mới nhất của QH xem phù hợp ở điểm nào, không phù hợp điểm nào để tìm biện pháp xử lý. "Đó là những cơ sở, điều kiện nhằm đưa TP HCM trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước" - ông Kiên khẳng định.
Phải đẩy mạnh các tuyến metro "xương cá"
Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị nhấn mạnh dù đến năm 2020 tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, năm 2024 tuyến metro số 2 cũng chính thức vận hành nhưng nếu cả chục năm sau, các tuyến metro "xương cá" vẫn chưa kết nối vào được tuyến metro số 1 và 2 thì rõ ràng việc vận chuyển hành khách bằng metro không thể đạt được hiệu quả như mong muốn, ùn tắc giao thông khó kéo giảm. Vì vậy, nhất thiết TP HCM phải đẩy nhanh thủ tục để thực hiện các tuyến metro còn lại ngay từ bây giờ; muốn đẩy nhanh thì việc tự chủ thủ tục phải kiên quyết xin bằng được.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TP có đủ nhân lực, tài lực để thực hiện thì không nhất thiết phải giao cho các bộ - ngành ở trung ương, vì chỉ cần một bộ - ngành tắc là "cỗ máy" sẽ ngừng hoạt động.
Bình luận (0)