xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Minh Chiến

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh việc phê chuẩn EVFTA sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên

Ngày 8-6, Quốc hội (QH) tiến hành họp đợt 2, Kỳ họp thứ 9 theo hình thức tập trung tại Nhà QH (Hà Nội). Ngay trong phiên họp đầu tiên, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).

Xác định ngành hàng thế mạnh

Theo Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết của hiệp định.

QH giao Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai kế hoạch thực hiện hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà hiệp định đem lại. Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện. Nghị quyết cũng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến nội dung hiệp định; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết, định kỳ hằng năm báo cáo QH về việc thực hiện hiệp định.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh việc phê chuẩn hiệp định sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc. Đồng thời, doanh nghiệp (DN) và người dân sẽ có điều kiện mua máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao. Bên cạnh đó, hiệp định sẽ thúc đẩy nước ta tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, DN và sản phẩm.

Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA - Ảnh 1.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại nghị trường Ảnh: TTXVN

"Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội rà soát, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn" - ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết các ĐB cũng khuyến nghị những vấn đề lớn. Trong đó, Chính phủ sớm ban hành chiến lược, kế hoạch chi tiết để triển khai hiệp định. Các bộ, ngành liên quan phối hợp lãnh đạo các địa phương chọn lựa, xác định danh mục ngành hàng, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam sớm tham gia vững chắc thị trường rộng lớn này.

"Trước mắt có biện pháp giữ, duy trì thị phần thị trường các nước liên minh châu Âu trong điều kiện đại dịch Covid-19. Đồng thời tận dụng tốt thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo" - ông Giàu nhấn mạnh.

Các ĐB kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, chính sách thúc đẩy chương trình phát triển vững chắc DN nhỏ và vừa, nhất là sử dụng gói hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực hội nhập và quản trị hiệu quả đối với DN. Trong xu thế hội nhập, Chính phủ, bộ ngành cần xây dựng chương trình tăng khả năng đối phó hiệu quả, hạn chế rủi ro thấp nhất với những diễn biến phát sinh phi truyền thống. Nghiên cứu luật pháp nước sở tại để hạn chế vi phạm trong hoạt động thương mại.

Đánh giá đúng thiệt hại do dịch

Trong phiên họp cùng ngày, các ĐB đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Các ĐB đoàn TP HCM đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19.

"Chúng ta đẩy lùi được dịch bệnh thì có thời gian sớm hơn để phục hồi, phát triển kinh tế" - ĐB Trần Hoàng Ngân nói và lưu ý không được lơ là, chủ quan trong việc kiểm soát dịch bệnh, bởi nếu sơ sẩy ở các khu vực cửa khẩu, sân bay, đường mòn lối mở thì sẽ rất nguy hiểm.

Ghi nhận những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch cũng như phục hồi và phát triển nền kinh tế, song ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng chúng ta đánh giá chưa hết về thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. "Thiệt hại về người rõ ràng ở mức thấp, nhưng về kinh tế, chúng ta mới chỉ ra vài con số về DN đóng cửa, chuỗi cung ứng đứt gãy, mà chưa đi vào cụ thể" - ĐB Nghĩa nói.

Đây cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm khi bà cho rằng cần có đánh giá cụ thể, chính xác về tình hình thực tế sau dịch, mức độ thiệt hại để có các chính sách phù hợp, không phải là những nhận định chung chung, giải pháp chung chung, không trúng đối tượng.

Dẫn chứng về chính sách giãn thời gian nộp thuế, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng khu vực nào cần giãn, giãn như thế nào thì hợp lý, chính sách phải đi kèm với dự báo tình hình. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm lấy dẫn chứng về ngành du lịch là một trong những ngành có lợi thế phục hồi ngay sau dịch, do đó phải có những chính sách kịp thời để hỗ trợ. Nhu cầu du lịch nội địa của người dân là khá cao khi du lịch quốc tế đang tạm ngừng, như vậy chúng ta có giải pháp gì, gói kích cầu gì, lúc này cần trợ lực từ nhà nước để ngành du lịch phục hồi.

Gỡ điểm nghẽn đầu tư công

ĐB Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) chỉ rõ hạn chế đang trở thành thách thức lớn đối với nước ta hiện nay là giải ngân vốn đầu tư công.

Vị ĐB này đặt câu hỏi tại sao lại giải ngân vốn đầu tư công chậm như vậy, do hồ sơ thủ tục, chậm trễ trong công tác triển khai hay vì nguyên nhân nào khác? "Báo cáo của Chính phủ nói rõ để giải ngân hết vốn đầu tư công năm nay và có hiệu quả là thách thức lớn, không hề đơn giản. Nếu giải ngân được đầu tư công là đã bù động lực cho tăng trưởng" - ĐB Hoàng Bình Quân nói.

So sánh giải ngân vốn đầu tư công như mạch máu, ĐB Nguyễn Văn Chương (TP HCM) cho rằng máu phải chảy đều thì cơ thể mới sống được, nhưng thực tế hiện nay lại rất khác, khi bóng dáng cơ chế xin - cho đang tác động nặng đến tiến độ giải ngân vốn.

"Từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã cố gắng gỡ, nhưng theo tôi là gỡ vẫn chưa ra. Trong khi bối cảnh hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ kích thích sản xuất, giải quyết việc làm… Nhưng giải ngân quá tệ thì làm sao nền kinh tế phát triển được. Giải ngân vốn vẫn ì ạch, như chiếc xe hết xăng giữa đường" - ĐB Chương phân tích và cho rằng giải pháp đã được Chính phủ, bộ ngành, địa phương đưa ra nhưng tổ chức thực thi như thế nào vẫn là con người quyết định, cần vai trò của người lãnh đạo.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng chỉ rõ tình trạng đầu tư chệch hướng, đầu tư chưa tương xứng cho Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ cũng như các tỉnh ĐBSCL. "Vùng ĐBSCL hạ tầng kỹ thuật, giao thông yếu kém, lẽ ra 20 năm qua phải có hệ thống đường bộ thật tốt, các vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn phải được cải thiện" - ĐB Nghĩa nói và cho rằng tình trạng đầu tư chệch hướng phải được khắc phục, tránh tư tưởng cào bằng.

Thảo luận tại tổ của Đoàn ĐBQH Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian nói về tình trạng ách tắc vốn đầu tư công. Thủ tướng cho biết vừa qua, ông đã có thư gửi đến bí thư, chủ tịch các tỉnh, TP và nhiều bộ trưởng yêu cầu tập trung chỉ đạo xử lý vấn đề đầu tư công tại địa phương mình, ngành mình. Thủ tướng nhấn mạnh sắp tới đây, sẽ trình QH cơ chế "năm nay bộ nào, địa phương nào không giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ điều chuyển vốn đi chỗ khác", đồng thời xử lý nghiêm vi phạm. 

Về 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết để giải quyết là không dễ dàng và những khuyết điểm có phần do chưa có kinh nghiệm kinh tế thị trường. “Chúng ta cùng phải chịu trách nhiệm. Việc này cần có thời gian để tiếp tục thúc đẩy giải quyết” - Thủ tướng nói.

Hà Nội "mong" đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành trước tháng 10

Bên hành lang QH, nói về vướng mắc lớn nhất của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết hiện đang thiếu các chuyên gia phía tổng thầu Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc. Ngoài ra, còn vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết thành phố đã làm việc với Bộ GTVT, lập tổ công tác để gỡ vướng dự án, nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng, mong dự án vận hành trước tháng 10-2020.

M.Chiến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo