Ngày 29-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về quản lý, sử dụng Quỹ BHYT năm 2016; tình hình 2 năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Mất cân đối thu - chi
Theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2016, số người tham gia BHYT là 75,91 triệu người. Tuy nhiên, tỉ lệ tham gia BHYT chưa thực sự bền vững do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng chiếm tỉ lệ cao (65,2%).
Đây là thách thức và cần có giải pháp đối với các đối tượng như thoát nghèo, không còn là đối tượng cận nghèo khi không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Đáng chú ý là Quỹ BHYT năm 2016 mất cân đối thu - chi là 831 tỉ đồng nhưng tính đến hết năm, quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT đã bù đắp và số dư còn hơn 47.000 tỉ đồng. Dự kiến năm nay, quỹ dự phòng còn hơn 38.000 tỉ đồng và năm 2018 còn 23.410 tỉ đồng. Với nguồn kinh phí này, đủ cân đối Quỹ BHYT ít nhất đến hết năm 2019.
Nâng chất lượng khám chữa bệnh BHYT để thu hút người dân tham gia ngày càng cao hơn
Ảnh: NGỌC DUNG
Đề cập đến nguyên nhân gia tăng chi Quỹ BHYT, Chính phủ cho rằng do mức đóng không thay đổi trong khi đã có sự điều chỉnh về mức hưởng. Đặc biệt là việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh và điều kiện tiếp cận dịch vụ.
Ngoài ra còn do tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT. Trong đó có tình trạng chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn mức cần thiết so với yêu cầu chuyên môn; cho người bệnh nhập viện khi tình trạng bệnh chưa thực sự cần thiết. Có tình trạng người bệnh đi khám bảo hiểm nhiều lần trong thời gian ngắn mà không thực sự vì mục đích khám chữa bệnh.
Báo cáo cũng cho biết việc chấp hành pháp luật về BHYT còn nhiều hạn chế, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT phổ biến tại các địa phương. Năm 2016, tổng số nợ BHYT là 3.013 tỉ đồng, trong đó đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nợ 686 tỉ đồng, chiếm 22,8% và ngân sách nhà nước chưa chuyển 2.327 tỉ đồng, chiếm 77,2% trên tổng số nợ BHYT.
Lập tổ đặc nhiệm giám sát
Đề cập về giá thuốc BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết quản lý giá thuốc theo nguyên tắc cạnh tranh về giá trên cơ sở công khai, minh bạch. "Việc đấu thầu thuốc trong thời gian qua đã được bổ sung, sửa đổi tăng cường tính công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý. Kết quả trúng thầu của các sở y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc bộ, trị giá tiền mua thuốc đã giảm được 35,5% so với quy định cũ" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Về dư luận phản ánh có tình trạng trục lợi Quỹ BHYT, người đứng đầu ngành y tế cho rằng cần phải thanh, kiểm tra để có bằng chứng cụ thể. "Bộ Y tế đã đề xuất lập tổ đặc nhiệm để cùng thanh tra BHXH kiểm tra và dự kiến mời các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương cùng tham gia, giám sát" - bà Tiến kiến nghị.
Chỉ ra thực trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH vô cùng lớn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nêu lên bất cập khi Công đoàn được phép khởi kiện nhưng với điều kiện là công nhân phải ký ủy quyền cho Công đoàn, mất 100.000 đồng tiền công chứng.
"Trước đây, Công đoàn chủ động khởi kiện, giờ công nhân phải ủy quyền cho Công đoàn, điều này là vô lý dẫn đến không kiện được. Rất nhiều vụ cần phải kiện mà không kiện được. Có doanh nghiệp sử dụng hàng chục vạn người, họ không thể ủy quyền cho Công đoàn được. Đang làm việc mà lại viết giấy ủy quyền, phải ký vào, thế là bị sa thải ngay" - ông Cường nói.
BHYT nên là quỹ ngắn hạn
Bà Trần Kim Yến - Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - cho rằng tỉ lệ người tham gia BHYT rất cao, trên 80% dân số và chất lượng khám chữa bệnh từ nguồn BHYT cũng được nâng lên. Thế nhưng vẫn còn những hạn chế về chất lượng khám chữa bệnh BHYT, nhất là tuyến cơ sở. Hiện nay ở một số nơi đã có sự quan tâm nâng cao chất lượng ở tuyến cơ sở như mô hình bác sĩ gia đình; đưa một số dịch vụ y tế trình độ cao như chạy thận nhân tạo… Tuy nhiên, những nỗ lực này là chưa nhiều và tâm lý chung vẫn còn e ngại đối với chất lượng khám chữa bệnh BHYT, nhất là tuyến xã, phường.
Bà Yến cũng đồng tình với một số ý kiến cho rằng nên xem Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, được dự toán và quyết toán trong năm, chỉ nên để gối đầu số kinh phí nhỏ. Còn hiện nay, Quỹ BHYT để kết dư quá nhiều, mà kết dư quá nhiều là người dân không được hưởng trọn quyền lợi. Như vậy, Quỹ BHYT đã không hiệu quả và ngành y tế, BHXH cần có biện pháp sử dụng quỹ hiệu quả hơn.
Bình luận (0)