Ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định (IUU). Từ thời điểm trên đến nay, Việt Nam đã nỗ lực với nhiều cam kết thực hiện IUU.
Giải quyết tận gốc vấn đề
Tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm đợt cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức mới đây, qua thống kê chưa đầy đủ của BĐBP, từ năm 2017 đến nay xảy ra 340 vụ, 579 tàu, 4.738 ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh BĐBP, từ ngày 15-10 đến 15-11, số vụ vi phạm đã giảm đáng kể so với các tháng trước, chỉ xảy ra 1 vụ với 3 ngư dân. Mặc dù số vụ vi phạm đã giảm so với thời điểm trước khi thực hiện đợt cao điểm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, điều này đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của ngư dân và thương hiệu thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Tổng cục Thủy sản, cho rằng việc giám sát của các đơn vị dù sát sao đến đâu cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Để khắc phục được "thẻ vàng" IUU, phải giải quyết các tồn tại từ gốc, nghĩa là phải nâng cao nhận thức của người trực tiếp khai thác, có giải pháp gia tăng lợi ích kinh tế cho người chấp hành quy định so với những người khai thác không tuân thủ để tạo động lực thay đổi một cách tự giác, bền vững.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP, thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả Kế hoạch 3663/KH-BTL ngày 28-8-2021 của Bộ Tư lệnh BĐBP về đợt cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Lực lượng biên phòng tuyến biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng để thay đổi, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành cho ngư dân. Các cơ quan chức năng tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển; tăng cường công tác điều tra cơ bản, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ các đối tượng tàu cá "nguy cơ cao" vi phạm vùng biển nước ngoài.
Việt Nam cam kết tuân thủ quy định về đánh bắt cá trên biểnẢnh: KỲ NAM
Tin tưởng cam kết của Việt Nam
Tại cuộc họp trực tuyến mới đây giữa Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT), các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng với Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE), ông Roberto Cesari, Trưởng Bộ phận IUU của DG-MARE, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU.
DG-MARE cũng đánh giá cao và tin tưởng những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam; nhất là sự minh bạch, thái độ nghiêm túc, quan điểm của Bộ NN-PTNT trong việc triển khai các biện pháp chống khai thác IUU và những khó khăn, thách thức thực tế mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc chống khai thác IUU hiện nay. Mặc dù sau 4 năm, khuôn khổ pháp lý đã tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực thi việc chống khai thác IUU tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, chuyển biến còn chậm.
Sau cuộc họp, DG-MARE tiếp tục nêu ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình khắc phục "thẻ vàng" của Việt Nam như chưa hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Hiện tượng tàu cá bị mất kết nối với Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) còn nhiều. Việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng và sản lượng bốc dỡ chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng các vụ việc đã xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU còn hạn chế. Hạ tầng ngành thủy sản, ngân sách và bố trí nguồn lực cho việc chống khai thác IUU chưa đáp ứng yêu cầu.
Kiểm soát 100% tàu rời cảng
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển; một số bộ, ngành và Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Theo đó đối với các tỉnh, thành cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phấn đấu đến hết ngày 31-12-2021 hoàn thành việc lắp đặt trên tàu cá đối với các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá. Kiểm soát 100% số lượng tàu cá rời cảng đi khai thác, đối với các tàu cá không đủ điều kiện kiên quyết không cho đi hoạt động.
Bình luận (0)