Kể từ sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, các bộ, ngành và 28 địa phương có biển đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Dù vậy, việc chống khai thác IUU để Việt Nam được gỡ thẻ vàng vẫn còn là một hành trình dài.
Nỗ lực nhiều nhưng chưa thể chấm dứt được
Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) mới đây đã trực tiếp kiểm tra hoạt động chống khai thác IUU ở các địa phương. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều địa phương vẫn còn hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chống khai thác IUU. Trong đó, việc cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định còn rất thấp, chỉ đạt 50,8%. Nhiều địa phương có tỉ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản thấp hơn trung bình cả nước, như: Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, TP HCM, Trà Vinh, Quảng Ninh.
Cần quyết liệt ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài để sớm được gỡ thẻ vàng EC. Trong ảnh: Tàu cá cập cảng Diêm Điền (tỉnh Thái Bình)
Đáng chú ý, Việt Nam vẫn chưa ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Số liệu tổng hợp của Bộ NN-PTNT cho thấy tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra 32 vụ với 52 tàu và 453 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó, riêng Malaysia bắt giữ, xử lý 23 vụ tàu cá của Việt Nam vi phạm, với 38 tàu và 367 ngư dân. Các trường hợp này tập trung chủ yếu tại tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cũng trong khoảng thời gian nêu trên, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, các địa phương đã xử phạt 381 vụ vi phạm liên quan đến chống khai thác IUU, chủ yếu là những vi phạm: không ghi, nộp nhật ký khai thác; không duy trì hoặc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; khai thác sai vùng; sử dụng ngư cụ khai thác bị cấm. Tuy nhiên, tỉ lệ vụ được xử lý còn thấp so với thực tế và chưa đồng đều giữa các địa phương. "Tổng cục sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, xử lý về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý; kiểm tra tàu cá tại cảng của các địa phương, bảo đảm tuân thủ quy định về IUU" - ông Trần Đình Luân cho hay.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Bà Nguyễn Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản cùng cộng đồng ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản và chính quyền các tỉnh có biển kiên quyết không để xảy ra trường hợp vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. "Chúng ta dù nỗ lực thế nào nhưng chỉ có một chuyến tàu vi phạm quy định về chống khai thác IUU thì EC cũng không gỡ thẻ vàng. Do đó, ngư dân cần nỗ lực thực hiện tốt nhất các yêu cầu trong thời gian sớm nhất. Đây là vấn đề của quốc gia chứ không riêng địa phương nào" - bà Sắc nhấn mạnh.
Để thực hiện những khuyến nghị của EC nhằm sớm gỡ thẻ vàng thủy sản, tháng 5-2022, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết đề án nêu rõ mục tiêu gỡ thẻ vàng thủy sản trong giai đoạn 2022-2023 và tổng thể các vấn đề cần giải quyết kèm phương án về nguồn lực triển khai.
"Một trong những nội dung quan trọng tại đề án là chuyển đổi dần quản lý nghề cá theo cách truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin. Ví dụ, chuyển nhật ký khai thác bằng giấy sang nhật ký khai thác điện tử; chuyển quản lý tàu cá bằng giấy sang hệ thống cơ sở dữ liệu; truy xuất nguồn gốc điện tử... Đề án cũng nêu vấn đề sẽ xây dựng Trung tâm chỉ huy điều hành IUU, bảo đảm thông tin kết nối thông suốt giữa trung ương và 28 tỉnh ven biển cũng như với lực lượng liên quan nhằm phối hợp kịp thời, đồng bộ" - ông Nguyễn Quang Hùng thông tin.
Liên quan đến các vụ việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết mới đây ông đã ký công văn gửi 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, yêu cầu tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác hải sản IUU; đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo công an tỉnh, bộ đội biên phòng tỉnh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, đề nghị lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác.
Phải quy trách nhiệm người đứng đầu
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho hay dự kiến tháng 9-2022, sau thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, đoàn kiểm tra của EC sẽ kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU ở Việt Nam, tập trung vào kiểm tra thực tế tại cảng cá ở các địa phương.
Để khắc phục các tồn tại, nhất là chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tiến tới gỡ thẻ vàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, địa phương; kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. "Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói phải đưa cấp chính quyền địa phương vào cuộc, kể cả cấp xã. Người quản lý trực tiếp phải tăng cường tuyên truyền, vận động; có hình thức xử lý quyết liệt ngay tại thôn, xã, địa phương mới có thể khắc phục dứt điểm" - ông Hùng nói thêm.
Bình luận (0)