Sáng 17-6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp Chi cục Thủy sản Khánh Hòa tổ chức "Hội nghị đối thoại kiểm soát IUU và kết nối ngư dân - cơ sở thu mua - doanh nghiệp và địa phương" nhằm nắm bắt những thuận lợi, khó khăn trong thực thi quy định về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).
Thu nhập thấp, dễ vướng vi phạm?
Tại buổi đối thoại, ngư dân Võ Quý, chủ tàu cá KH-99036 TS, nói rằng khó khăn của ngư dân khi thực thi quy định IUU là bởi thu nhập từ nghề đánh bắt hải sản quá thấp. Trong khi đó, phí tổn xăng dầu quá cao, ngư trường trong nước cạn kiệt, sản lượng đánh bắt thấp... Điều này khiến ngư dân vô tình có những hành động vi phạm khi đánh bắt. Ông Quý góp ý giải pháp căn cơ là bảo đảm ngư dân có thu nhập ổn định thông qua những chính sách đủ mạnh liên quan đến giá dầu, giá hải sản... để họ an tâm vươn khơi, bám biển, không vi phạm quy định IUU.
Ngư dân tỉnh Khánh Hòa mong muốn nhiều chính sách hỗ trợ và các giải pháp từ phía cơ quan quản lý để gỡ thẻ vàng EC
Ngư dân Võ Cương, chủ tàu KH-92818, nêu thực tế các máy định vị giám sát hành trình đang gây rắc rối cho ngư dân. Chỉ cần quên nộp tiền phí duy trì thì máy sẽ ngắt tín hiệu nửa chừng khiến ngư dân không thể xác định tọa độ đánh bắt để khai báo. Hoặc, nhiều khi tín hiệu về tổng đài bị ngắt mà lỗi không phải của ngư dân. Trong những tình huống này, ngư dân phải quay về bờ trong khi sản lượng đánh bắt chưa đủ, phí tổn cao, dẫn đến thua lỗ.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín, để thực hiện tốt các quy định về IUU, các cơ quan chức năng cần có chế độ bảo dưỡng định kỳ, miễn phí cho thiết bị giám sát hành trình của ngư dân. Cùng với đó, làm thùng thư góp ý tại các cảng cá để người dân tương tác thường xuyên, thuận lợi với cơ quan chức năng; tuyên truyền các quy định IUU qua các kênh truyền thông tại cảng...
Kết hợp nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Như Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết đến nay, 95% tàu tại tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Chi cục đã tuyên truyền rõ quy định những tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì không đủ điều kiện để ra khơi, buộc phải nằm bờ. Ngoài ra, nếu tàu không đăng ký an toàn thực phẩm, khi đánh bắt trở về, việc xác nhận hồ sơ sẽ rất khó khăn. "Tỉnh đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định IUU. Chi cục đã kiện toàn Văn phòng Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá nhằm sẵn sàng thanh tra để gỡ thẻ vàng EC (thẻ vàng của Ủy ban châu Âu - PV)" - ông Đào thông tin.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa thừa nhận các vấn đề vướng mắc liên quan đến thiết bị giám sát hành trình có lý do cả khách quan và chủ quan. Thực tế, đã có quy định bắt buộc ngư dân bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 cho đến sau 1 giờ kể từ khi tàu cập cảng nhưng hiện một số ngư dân vẫn chưa thực hiện đúng. Còn đối với trường hợp thiết bị mất kết nối khiến ngư dân rơi vào cảnh "tình ngay lý gian", lãnh đạo chi cục đề nghị ngư dân báo ngay cho các cơ quan chuyên môn qua các thiết bị điện thoại, điện đàm ICOM.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, để thúc đẩy gỡ thẻ vàng, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ ngư dân sử dụng nhật ký điện tử để cập nhật đúng số liệu, tránh tình trạng số liệu không trùng khớp do ghi tay. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ hỗ trợ số hóa thông tin để tập hợp, truy cập, truy xuất nhanh nhằm thuyết phục EC gỡ thẻ vàng nhanh nhất có thể. "Về lâu dài, chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp về chuyển đổi nghề cá từ thủ công sang công nghiệp; tăng tính trách nhiệm, bền vững. Chúng tôi mong muốn thế hệ ngư dân trẻ thay đổi cách thức hoạt động nghề cá, giảm tải cường độ đánh bắt, không sử dụng lao động trẻ em. Tư duy, thói quen của ngư dân cần có thời gian mới thay đổi được. Hy vọng trong 5-10 năm nữa, nghề cá Việt Nam sẽ có những cải cách về tư duy, cải tiến về công nghệ, ngư cụ... để ngư dân đánh bắt có hiệu quả và bảo vệ được ngư trường" - bà Sắc bày tỏ.
Cần chính sách đặc thù cho nghề cá
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc chỉ rõ thực trạng nguyên liệu, trữ lượng đang có nguy cơ cạn kiệt trong khi ngư dân đang thiếu số liệu cơ bản về ngư trường. Do đó, cơ quan quản lý phải có kế hoạch khảo sát, đo trữ lượng để đưa ra khuyến nghị, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách đặc thù để nghề cá phát triển một cách bền vững. "Na Uy sẵn sàng thu mua lại các tàu, công nghệ đánh bắt lạc hậu. Hy vọng Việt Nam cũng có những chính sách tương tự" - bà Sắc nói.
Bình luận (0)