Bộ Nội vụ đang trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021. Căn cứ tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện cả nước có 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn.
Tách được thì nhập được
Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ, cho biết dự thảo đề án được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 1211. Qua đó, sẽ tiến hành sắp xếp với mục tiêu đến năm 2021 thu gọn hợp lý ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Từ năm 2022 đến 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các ĐVHC cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.
Xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định - nơi không đạt tiêu chuẩn khi chỉ có khoảng 4 km2 diện tích và hơn 5.000 dân
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, quá trình chia, tách ĐVHC đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng nảy sinh một số bất cập và hạn chế, như việc tăng số lượng ĐVHC các cấp đã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước…
Trao đổi với phóng viên về việc xây dựng đề án nêu trên, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đánh giá đây là một chủ trương lớn. Việc sáp nhập là cần thiết vì phù hợp với đặc điểm và tình hình của Việt Nam hiện nay. Nhiều xã hiện không đáp ứng được tiêu chí có tối thiểu 30 km2 diện tích và 8.000 dân nhưng số lượng biên chế thì vẫn được bố trí đầy đủ như những xã đáp ứng đủ tiêu chí. Điều này khiến bộ máy ngày càng phình ra, ngân sách chi thường xuyên hằng năm tăng.
"Lúc tách ra thì không thấy đơn vị nào kêu khó nhưng khi sáp nhập thì lại kêu khó khăn, vướng mắc, đặc thù" - ĐBQH Phạm Văn Hòa thẳng thắn.
Nêu ý kiến về xây dựng đề án, ông Vũ Bá Rồng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, cho rằng đây là một nội dung khó nhưng sẽ phải tổ chức thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6. Địa phương này hiện có 8 ĐVHC cấp huyện, 100% ĐVHC cấp xã không đạt tiêu chí về diện tích và lo ngại sự xáo trộn khi sáp nhập các đơn vị.
Tìm chỗ cho cán bộ dôi dư
Việc thực hiện thu gọn các ĐVHC cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định sẽ là bước đột phá trong việc tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại các cán bộ dôi dư sẽ được bố trí, sắp xếp như thế nào cho hợp lý?
Ông Nguyễn Hữu Đức, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ, cho rằng khi sáp nhập các ĐVHC thì nhân sự của các đơn vị sẽ gộp vào. Do đó, cần có phương án cho nghỉ chế độ, điều chuyển, sắp xếp lại các vị trí.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng băn khoăn về vấn đề này và nhấn mạnh đây là việc khó mà các địa phương đều phản ánh. Khi sáp nhập, cán bộ sẽ tâm tư vì "mất ghế", ghế đó sắp tới ai sẽ ngồi? Muốn công tâm, công bằng thì phải thi tuyển. "Trước đây, khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, ai cũng kêu khó nhưng cuối cùng với quyết tâm chính trị cao đã thực hiện tốt. Đến bây giờ, Hà Tây về Hà Nội được 10 năm, thành quả ai cũng thấy rõ" - ĐBQH Phạm Văn Hòa dẫn chứng.
Ông Phan Văn Hùng cho biết theo lộ trình thực hiện, trong năm 2018, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương xây dựng xong đề án. Năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã, trong đó có việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư. Đến năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn. Năm 2021, tổng kết và xây dựng đề án tổng thể sắp xếp từ năm 2022-2030.
Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng/năm
ĐBQH Phạm Văn Hòa lưu ý không để sáp nhập cơ học. Sáp nhập phải thực tiễn, căn cứ vào thực tế. Sắp xếp ĐVHC phải được thực hiện với mục đích thu gọn được bộ máy, tinh giản biên chế, làm cho đơn vị đó phải phát triển mạnh hơn, cán bộ có trách nhiệm với dân hơn. Việc sáp nhập xã, huyện sẽ có những khó khăn, xáo trộn. Nhân sự của các đơn vị có thể sẽ được gộp lại nhưng sau đó sẽ được thu gọn, ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng/năm.
Bình luận (0)