xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quyết "trảm" dự án chậm tiến độ

MINH CHIẾN

Dự án chậm tiến độ nhiều năm, dự án "treo", "đất vàng" bỏ hoang là tình trạng nhức nhối ở nhiều địa phương thời gian qua

Theo báo cáo, Hà Nội hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Trong đó có 30 dự án được kiến nghị thu hồi (đến nay đã thu hồi 10 dự án); 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng.

Gây lãng phí rất lớn

Những quận, huyện chiếm số lượng dự án chậm tiến độ nhiều nhất ở Hà Nội là Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án...

Từng một thời "gây sốt" trên thị trường bất động sản nhưng hiện nay, nhiều dự án ở huyện Mê Linh vẫn "giẫm chân tại chỗ". Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Tiền Phong có khá nhiều khu đất dự án bị bỏ hoang từ nhiều năm qua. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi một số dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh như khu đô thị mới Prime Group, khu đô thị mới BMC, khu đô thị mới Việt Á...

Trong đợt kiểm tra gần đây nhất, cơ quan liên ngành của TP Hà Nội kiến nghị UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động đối với 8 dự án đang bị "treo". Hiện các quận, huyện, thị xã tiếp tục bổ sung các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, dự án vi phạm và tiếp tục đề xuất, kiến nghị xử lý đối với 173 dự án. Trong số này, 120 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai.

Quyết trảm dự án chậm tiến độ - Ảnh 1.

Nhiều dự án được giao đất ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội nhưng vẫn “án binh bất động”. Ảnh: ĐOÀN LÊ

Không chỉ Hà Nội, tình trạng dự án bỏ hoang còn xảy ra ở nhiều địa phương khác. Như tại Thanh Hóa, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 dự án cho thấy có 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm quy định tại Luật Đất đai năm 2013. UBND tỉnh này đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích lên tới 89,88 ha.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các dự án "treo", chậm tiến độ sẽ khiến hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất kém, trong khi hiệu suất sử dụng các nguồn lực đầu vào nói chung và nguồn lực đất đai nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói việc dự án chậm tiến độ, dự án "treo" gây lãng phí rất lớn. Do đó, các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý, thu hồi.

Thu hồi và chế tài nghiêm minh

Để xử lý "mạnh tay" với các dự án chậm tiến độ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý và nhân sự.

Theo quy định hiện hành, sau 24 tháng kể từ khi giao đất, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời hạn này, không ít chủ đầu tư vẫn không "buông" đất dù dự án không hề triển khai.

Tại Hà Nội, dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là trên 1.700 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 4.000 tỉ đồng. Dự án được phê duyệt từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống.

Để ngăn chặn tình trạng này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng bên cạnh việc thu hồi thì cần có chế tài mạnh hơn để xử phạt các chủ đầu tư chậm triển khai dự án. Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để giao đất. Cơ sở để đánh giá năng lực tài chính là báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính trong vòng 3 năm gần nhất.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho rằng các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc thu hồi dự án "treo" để tránh lãng phí nguồn lực, không để xảy ra tình trạng "xin - cho". Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát dự án được giao đất để nắm hiện trạng, sớm triển khai các biện pháp xử lý. "Cần gắn trách nhiệm của địa phương nếu trên địa bàn có dự án chậm tiến độ nhưng sau nhiều năm không kiến nghị thu hồi theo quy định" - luật sư Diệp Năng Bình nêu. 

Không để nhà đầu tư chây ì

Liên quan đến việc xử lý các dự án "treo" trên địa bàn TP Hà Nội, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thực hiện Kế hoạch số 160/KH-UBND của UBND thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, sở tiếp tục chỉ đạo bộ phận chuyên môn nâng cao tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch, rõ quy trình, xác định cụ thể thời hạn, đề xuất UBND thành phố các biện pháp xử lý nghiêm. Quan điểm của thành phố là xử lý dứt điểm các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng, các trường hợp cố ý chây ì.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo