Tất cả quốc gia đã thành công và trở nên phát triển đều đi theo con đường tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển; cơ chế thị trường được hoạt động ngày một tốt hơn.
Kết quả mà kinh tế Việt Nam đạt được thời gian qua phần lớn nhờ vào sự hoạt động hiệu quả của thị trường và khu vực kinh tế tư nhân ngày càng trở nên năng động. Tuy nhiên, nhiều "trục trặc" cũng đã xảy ra. Điển hình là các cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm ở Việt Nam.
Trong quá khứ, trục trặc khi chuyển đổi các tổng công ty lớn của nhà nước thành các tập đoàn, với mong muốn trở thành những "quả đấm thép" trong nền kinh tế đã để lại những hậu quả và bài học rất lớn cho Việt Nam. Còn nếu nhìn vào sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong những năm gần đây sẽ thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng, trong khi hầu hết những tổng công ty nhà nước, trừ những ngành có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên hay độc quyền tự nhiên, đều có vấn đề và là gánh nặng cho nền kinh tế.
Một nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright chỉ ra rằng, 3 trong 4 động cơ của cỗ máy tăng trưởng Việt Nam gồm: khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế dân doanh và khu vực nông nghiệp đang gặp trục trặc. Chỉ có một ngoại lệ là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang ăn nên làm ra, do họ đã tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam và miễn nhiễm được với những tác động tiêu cực. Vì thế, nếu bỏ khu vực FDI sang một bên và chỉ phân tích 3 khu vực còn lại thì nền kinh tế Việt Nam sẽ khác hơn nhiều, mà nguyên nhân chủ yếu là do nội tại chứ không phải do tác động từ bên ngoài.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Đây là cơ hội rất lớn để phát triển hơn. Tuy nhiên, nhìn từ những trục trặc trước đây, việc tận dụng các cơ hội không phải là điều đơn giản và các cơ hội đã biến thành thách thức. Với dư địa cho tăng trưởng sẵn có không còn và nội lực chưa được phát huy, thách thức phía trước với Việt Nam trên con đường hội nhập là rất lớn. Ước muốn là rất lớn nhưng vai trò của nhà nước thì lại có hạn.
Do vậy, nhà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng thay vì có sự tham gia một cách chủ động như thời gian qua. Đây là lúc nhà nước cần phải xác định rõ vai trò của mình và phân định rạch ròi những vấn đề nhà nước cần có vai trò, tránh việc làm thay thị trường và cần thiết tạo môi trường cho cộng đồng phát triển. Song song đó, nhà nước cần có chính sách triệt tiêu sự cấu kết giữa các doanh nhân (những người có tiền) và một số quan chức nhà nước (những người có quyền), tạo ra các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm…
Các chính sách công cần thiết đối với Việt Nam là một mặt thúc đẩy các cơ chế thị trường hoạt động đúng nghĩa và hiệu quả hơn; nhưng mặt khác cần phải lưu ý và có biện pháp cần thiết để hạn chế khuyết tật của thị trường. Trong đó, sự cân bằng giữa ba trụ cột thị trường - nhà nước - cộng đồng có vai trò quyết định.
Bình luận (0)