xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng(*): Núi rừng tan hoang

NHÓM PHÓNG VIÊN

Việc khai thác vàng trái phép khiến khe suối, núi rừng nham nhở, không những thế, hàng loạt cây rừng cũng bị triệt hạ

Đó là hình ảnh đập vào mắt chúng tôi trong quá trình thâm nhập vào khu vực xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép ở suối Ka Ruông, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Nhiều mảng núi rừng nơi biên giới như vô chủ, cả phu vàng lẫn lâm tặc mặc sức tung hoành.

Rừng bị phá, suối thì nham nhở

Khó có thể tưởng tượng nổi thượng nguồn suối Ka Ruông xa xôi, trắc trở đến thế nhưng có quá nhiều người trong rừng. Trước đó, qua trò chuyện, một phu vàng cho hay thời gian qua đã có rất nhiều người vào đây "tăm" (thăm dò) vàng. Anh ta chỉ tay vào một mẫu quặng trắng xám pha màu vàng cháy rồi khẳng định chắc chắn có vàng ở bên trong. "Khi đem quặng xay mịn, sẽ "bắt" được vàng cám" - phu vàng này nói.

Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng(*): Núi rừng tan hoang - Ảnh 1.

Dấu vết cưa xẻ cây rừng còn mới toanh ở khe cạn thượng nguồn suối Ka Ruông

Men theo suối Ka Ruông ra bên ngoài, đất đá nhiều nơi bị đào khoét nham nhở. Một số dụng cụ dùng khuân đất đá vứt lại dọc suối. Khá nhiều lán trại, phủ bạt màu xanh mọc lên. Đây là nơi nghỉ ngơi của các phu vàng khai thác vàng sa khoáng thủ công. Tấp vào một lán trại dựng bên suối, chúng tôi bắt gặp một nhóm phu vàng gồm 5 người đang nghỉ ngơi ở bên trong. Tất cả là người dân địa phương. Họ nói rằng đi đãi vàng đã được một thời gian. Việc của họ là đào bới đất đá hai bên bờ suối rồi dùng mâm chắt lọc, đãi vàng sa khoáng.

"Một chỉ vàng sa khoáng hiện nay bán với giá khoảng 4,7 triệu đồng. Vàng thô nên rẻ thế đó. Mỗi người chỉ kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ngày thôi. Mình chỉ đi mót lại, chứ tầm chục năm trước, có người còn mở đường, đưa máy múc vào đãi vàng sa khoáng tại suối Ka Ruông này" - một phu vàng nói. Dường như để minh chứng, anh ta với tay lấy ra một chai nhựa, dưới đáy chai đọng nhiều mẫu vàng sa khoáng nhỏ. Đó là thành quả của nhóm phu vàng sau nửa ngày đào đãi. Anh khẳng định ngoài nhóm này, còn có nhiều người đang khai thác vàng thủ công tại suối Ka Ruông. Họ làm lán ở lại, vài ngày mới trở về nhà một lần.

Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng(*): Núi rừng tan hoang - Ảnh 2.

Trẻ em theo mẹ gùi hàng hóa vào các mỏ vàng

Giữa trưa, những phu vàng này bày rượu ra uống với đồ nhắm là cá suối bắt ngay dưới suối Ka Ruông. Người đàn ông trạc 60 tuổi, vừa gùi hàng cho phu vàng cũng tạt vào góp vui. Ông nói rằng tuổi lớn rồi nên chỉ gùi được 25 kg hàng hóa, được trả 250.000 đồng tiền công. "Nhiều người đi khuân vác lắm, bởi có nhiều tiền mà" - ông hớn hở. Dứt lời, cũng là lúc 5 người dân gùi xe rùa, dầu nhớt, đường ống dừng chân nghỉ ngơi trước lán trại này. Vì quãng đường quá xa nên ai nấy đều thở hổn hển, mồ hôi vã ra như tắm.

Trên đường di chuyển theo suối Ka Ruông, phóng viên Báo Người Lao Động còn tận mắt thấy nhiều cây rừng đường kính từ 40 cm đến 1 m bị cưa hạ tận gốc. Dấu vết tại hiện trường cho thấy cây rừng bị triệt hạ chỉ mới vài ba tháng nay. Gỗ sau khi cưa xẻ đã được vận chuyển khỏi rừng.

Tại các khu rừng hai bên thượng nguồn con suối này, nhiều cây rừng vừa bị triệt hạ, dấu mùn cưa còn mới. Máy cưa xăng liên tục gầm rú và sau đó tiếng cây ngã rạp. Thấy chúng tôi, một lâm tặc lầm lũi vác máy cưa rời khỏi hiện trường. Người dẫn đường cho biết gỗ ở đây sau khi khai thác, lợi dụng nước suối dâng cao sẽ được vận chuyển ra bên ngoài. Tình trạng này diễn ra lâu nay, chứ không phải bây giờ mới có.

Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng(*): Núi rừng tan hoang - Ảnh 3.

Dấu vết cưa xẻ cây rừng còn mới toanh ở khe cạn thượng nguồn suối Ka Ruông

Trong khi đó, dọc theo tuyến đường rừng từ thôn Pa Ngày vào thượng nguồn suối Ka Ruông cũng có một số cây rừng bị cưa hạ. Đây là khu rừng thưa, tiếp giáp với nương rẫy của người dân. Căn cứ dấu vết tại hiện trường cho thấy cây rừng đã bị cưa hạ khoảng 2-3 tháng nay. Gỗ vẫn còn để lại trong rừng, chưa được cưa xẻ. Cụ thể, cây rừng bị cưa hạ trái phép xảy ra tại các tọa độ: E00572953 - N01823429, E00571390 - N01823094, E00571637 - N01822859, E00572703 - N01823395, E00572894 - N01823034, E00572062 - N01823193…

Qua tìm hiểu, các tọa độ có cây rừng bị phá thuộc tiểu khu 738 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị quản lý, bảo vệ...

Nhiều hệ lụy

Suối Ka Ruông bắt nguồn từ các dãy núi cao rồi chảy về sông Krông Klang (đoạn thuộc địa bàn thôn Ly Tôn, xã Tà Long) sau khi hòa vào khe Pa Ngày. Nhắc đến con suối này nhiều người dân địa phương bảo "có nhiều thủy ngân", dù họ không biết chất thủy ngân trắng đen như thế nào. Nhiều phu vàng qua tiếp xúc cũng thừa nhận nước từ con suối gây ghẻ lở, dù ở tít tận thượng nguồn.

Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng(*): Núi rừng tan hoang - Ảnh 4.

Suối Ka Ruông bị đào khoét để đãi vàng sa khoáng

Làm sao biết đó là thủy ngân? Ông Pả Liên (53 tuổi, ngụ thôn Ly Tôn) hỏi ngược lại chúng tôi: "Quá trình khai thác, không có hóa chất như thủy ngân thì làm sao "bắt" được vàng cám?". Rồi ông khẳng định nhiều người trong thôn không dám tắm nước sông Krông Klang, đoạn chảy qua thôn. Còn nước sinh hoạt thì phải lên núi dùng ống dẫn về chứ tuyệt nhiên không sử dụng nước sông. Đã không ít trường hợp bị ghẻ lở sau khi tắm, đánh bắt tôm cá từ dưới con sông này.

Đơn cử như bà Hồ Thị Nhềnh (hơn 70 tuổi, ngụ thôn Ly Tôn). Nhà ở gần sông Krông Klang nhưng bà Nhềnh cấm tiệt cháu chắt của mình xuống tắm rửa dưới sông. "Ngứa lắm" - bà nói rồi vén ống quần lên để lộ nhiều vết ghẻ lở, đóng thành vảy. "Thỉnh thoảng, mẹ hay đi xúc con cá, con tôm dưới sông Krông Klang. Đi ban ngày thì buổi tối bắt đầu ngứa chân, ngứa tay không chịu được. Không hiểu sao nước sông hiện nay lại độc đến thế" - bà Nhềnh lo lắng.

Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng(*): Núi rừng tan hoang - Ảnh 5.

Nước sông Krông Klang ô nhiễm khiến nhiều người dân bị ghẻ lở Ảnh: HẢI PHONG

Sau khi thâm nhập vào các mỏ vàng, chúng tôi nhận thấy phu vàng chỉ mới bắt tay vào việc khai thác. Vì vậy, để tránh những hệ lụy liên quan, cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc, truy quét mạnh tay, đồng thời cử lượng chốt giữ để ngăn chặn phu vàng lẫn lâm tặc từ bỏ ý định "oanh tạc" núi rừng nơi biên giới. 

Xã từng truy quét

Khoảng nửa tháng trước, lực lượng công an, quân sự và dân quân tự vệ của xã Tà Long đã xuất phát vào suối Ka Ruông để truy quét, đẩy đuổi phu vàng ra khỏi rừng.

Theo lãnh đạo UBND xã Tà Long, các lực lượng trên đã phá dỡ nhiều lán trại và phá hỏng một số máy móc phục vụ cho việc khai thác vàng. Có khoảng 20 phu vàng thuộc các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và một số tỉnh, thành khác bị đẩy đuổi ra khỏi rừng.

Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi, phu vàng chỉ lánh mặt khi lực lượng chức năng truy quét. Sau đó, họ lại tập trung vào rừng, việc khai thác vàng trái phép vẫn tiếp tục diễn ra rầm rộ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo