Anh Q.D.A (25 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) mắc bệnh ung thư máu, được Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học tìm kiếm nguồn tế bào gốc (TBG) trên cả nước nhưng không tìm được người phù hợp.
Nhịp nhàng từng phút giây
Bảy tháng trước đó, anh A. phát hiện da nổi nhiều đốm xuất huyết, nhiều vết bầm xung quanh màu tím nhưng ở giữa là màu trắng. Ngày 15-5-2017, anh A. nhập viện vào BV Truyền máu - Huyết học với chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào (JMML - gọi chung là ung thư máu).
Ghép TBG tạo máu là phương pháp cứu anh. Tuy nhiên, chị gái anh có TBG không thuận hợp HLA (kháng nguyên hòa hợp tổ chức) hoàn toàn, chỉ hợp 7/10. Với loại ung thư máu anh A gặp thì việc ghép TBG nửa thuận hợp HLA cũng sẽ khó thành công. "Nghe thông báo mắc bệnh, tôi thấy đất trời như sụp đổ còn cha tôi chết lặng vì thương con" - anh A. nhớ lại.
Ở Việt Nam chỉ có ngân hàng TBG máu cuống rốn chứ chưa có ngân hàng TBG tủy xương và máu ngoại vi. Ngày 1-7-2017, chương tìm nguồn TBG xuyên biên giới được khởi động. Cuối cùng, BV đã tìm được người hiến TBG có HLA phù hợp hoàn toàn từ Trung tâm TBG Tzu Chi (Đài Loan).
Bác sĩ Bệnh viện Truyền máu - Huyết học
TP HCM mang túi tế bào gốc từ Đài Loan về nước. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Lúc này, BV gặp phải vấn đề khó là làm sao nhập khẩu túi TBG về Việt Nam. Theo luật hiến tạng, người cho sẽ được giữ kín thông tin và tiến hành cho TBG tại Đài Loan. Vì đây lần đầu tiên nên hệ thống luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể, đặc biệt là vấn đề thông quan. TBG là sản phẩm sinh học đặc biệt, khi về Việt Nam qua đường hàng không thì không thể chiếu tia vì nếu chiếu tia, TBG sẽ chết. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Sở Y tế, Cục Hải quan TP HCM, BV cũng được cấp phép thông quan túi TBG.
Kể lại hành trình đưa túi TBG về nước, BS-CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học, cho biết bệnh nhân phải vô thuốc trước khi cho TBG vào 7 ngày. Tại Đài Loan, người cho sẽ nhập viện 4 ngày, được chích loại thuốc kích tủy trong vòng 3 ngày. Đến ngày thứ 4, các BS lấy TBG; nếu đạt thì được thu thập, lưu trữ trong vòng 8-12 giờ.
Lúc đó, BV Truyền máu - Huyết học phải cử một ê-kíp sang lấy đưa về Việt Nam và truyền cho bệnh nhân đúng "ngày zero". Nếu đến "ngày zero" không có TBG truyền vào, bệnh nhân sẽ nguy kịch do không mọc được các tế bào tạo máu và có thể tử vong. Ngoài người cho chính (chỉ số phù hợp 10/10), BV còn dự phòng từ 2 người cho TBG (chỉ số phù hợp 9/10) khác. TBG hoàn toàn tươi, không giữ đông lạnh mà lấy về là ghép ngay.
Bước tiến mới cho y tế nước nhà
Kế hoạch chi tiết đã định ra, BV chuẩn bị triển khai cứu người bệnh. Ngày 10-9-2017, anh A. được cho hóa chất vào người để diệt hết TBG mang mầm bệnh trong tủy xương trước khi truyền TBG khỏe mạnh vào người. Người bệnh được cách ly hoàn toàn vô trùng, các y - BS bảo đảm sức khỏe, tâm lý cho người bệnh để không bị nhiễm trùng.
Ngày ghép đã cận kề. Ê-kíp gồm BS Trần Trung Dũng, Trưởng Khoa Ngân hàng TBG, 1 điều dưỡng và thông dịch viên sang Đài Loan. Đối với BS Trung Dũng, đây là một hành trình nghẹt thở. Để hạn chế tối đa rủi ro trên đường đi, BV cân nhắc kỹ phương tiện an toàn nhất cho từng chặng, lên phương án cho tình huống xảy ra ngoài mong đợi như trễ tàu, thiên tai, thời tiết xấu.
"Trong hành trình này, tiến độ di chuyển túi TBG được cập nhật liên tục giữa Việt Nam và Đài Loan. Vào 21 giờ ngày 20-9, một ê-kíp có mặt tại sân bay để mang túi TBG về BV. Một ê-kíp khác chuẩn bị đón nhận TBG truyền cho bệnh nhân. Chuyến hành trình diễn ra như kế hoạch, chúng tôi không gặp trở ngại đáng kể nào" - BS Dũng nhớ lại.
Thời gian chờ đợi dần trôi. Cuối cùng, vào 22 giờ 35 phút, túi TBG đã được thông quan tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau hành trình 15 giờ, vượt qua nhiều chặng đường, túi TBG về đến BV. Đến 23 giờ 30 phút, từng giọt TBG truyền vào người bệnh, đánh dấu một bước tiến mới cho ngành y tế Việt Nam.
Sau 22 ngày ghép TBG, sức khỏe anh Q.D.A dần ổn định, kết quả xét nghiệm xác định tỉ lệ mọc mảnh ghép (chimerism) cho thấy 100% tế bào là của người hiến tặng TBG.
Theo BS-CKII Phù Chí Dũng, bệnh ung thư máu của anh A. rất hiếm gặp, chỉ 3-4 trường hợp/triệu dân/năm, chủ yếu gặp ở người trên 60 tuổi. Ghép TBG là phương pháp duy nhất và có thể chữa bệnh, nếu không thời gian sống kéo dài 20-30 tháng.
Ca ghép TBG tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam này đã mở ra hy vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính không tìm được người cho TBG cùng huyết thống phù hợp. Hiện chi phí cho mỗi ca ghép tại Việt Nam khoảng 800 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả 60%. Chi phí này chỉ bằng 1/10 so với Singapore và bằng 1/5 so với Đài Loan.
Kỹ thuật ghép của Việt Nam đã hoàn chỉnh và cho kết quả tốt tương đương với các trung tâm lớn khác trên thế giới. Xa hơn, Việt Nam phải xây dựng một trung tâm TBG để không chỉ dành cho người Việt Nam mà còn cho các nước khác trên giới để người bệnh có nhiều cơ hội hơn.
"Ở Đài Loan có 5% số người phù hợp TBG với người Việt. Việc ghép TBG xuyên biên giới thành công này còn mang giá trị nhân văn lớn là nỗ lực cứu người vươn ra khỏi tầm quốc gia" - BS Dũng nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-2
Kỳ tới: "Bố" Nguyên blouse trắng
Kể từ ca ghép TBG đầu tiên năm 1995, BV Truyền máu - Huyết học đã ghép 262 ca bằng 3 loại TBG: tủy xương, máu cuống rốn và TBG tạo máu từ máu ngoại vi.
Bình luận (0)