Lý do vì các dự án này đều chậm tiến độ triển khai do ảnh hưởng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, một số dự án có nguy cơ đội vốn. Nguồn vốn dự tính dành cho các dự án này sẽ được bố trí cho những dự án cấp bách khác.
Đã là dự án cấp bách thì không thể chấp nhận sự lề mề, dây dưa. Những dự án này một thời cũng được xem là cấp bách, nhằm phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Do triển khai chậm, đến nay các dự án này đã không còn tác dụng lớn lao như kỳ vọng ban đầu. Càng để lâu, chính các dự án trở thành gánh nặng cho nguồn ngân sách vốn không phải quá dồi dào để phục vụ cho việc phát triển chung của TP HCM. Việc đề nghị rút vốn các dự án chậm trễ, yếu kém đã cho thấy thông điệp mạnh mẽ của TP HCM về yêu cầu nâng tính hiệu quả của đầu tư công đối với hạ tầng cơ sở. Trong bối cảnh hiện nay, thời gian đưa vào hoạt động các dự án công có thể được tính bằng tiền bạc, bằng cơ hội hưởng thụ của người dân. Các dự án công hoạt động sớm ngày nào sẽ mang đến lợi ích sớm ngày ấy và làm tăng giá trị sử dụng cho xã hội. Chậm trễ thì đứng sang bên để ưu tiên cho các dự án khác.
Không chỉ ở TP HCM, tình trạng chậm tiến độ của các dự án cấp bách diễn ra tại rất nhiều địa phương. Điển hình gần đây là việc UBND tỉnh Đồng Nai "trảm" 6 dự án chậm tiến độ của khu tái định cư sân bay Long Thành. Các dự án sẽ được giao cho những nhà thầu có năng lực và cam kết thực hiện đúng tiến độ. Tháng 11-2022, Bộ Giao thông Vận tải liên tiếp gạt bỏ những nhà thầu yếu kém thi công một số đoạn của dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Bộ này cũng cảnh cáo các doanh nghiệp tổng thầu nếu không cải thiện được tình trạng thi công chậm trễ sẽ bị xử lý nghiêm… Hàng loạt địa phương khác cũng kiên quyết thu hồi đất, thu hồi chủ trương đầu tư những dự án "treo" để ưu tiên đầu tư các dự án khác.
Liên tục trong thời gian qua, Chính phủ hối thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, do việc thực hiện các dự án công ì ạch. Vốn có sẵn nhưng không thể giải ngân bởi tiến độ dự án ì ạch. Nhiều dự án khác lập ra rồi để đó "xí phần" vốn công đã gây tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của địa phương.
Sốt ruột trước tình hình này, ngày 7-12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng yêu cầu phân bổ đầu tư vốn ngân sách tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, không để xảy ra tiêu cực… Nếu cán bộ không hoàn thành kế hoạch được giao 2 năm sẽ bị miễn nhiệm.
Những "liều thuốc" hữu hiệu cho các dự án chậm trễ hầu như đã có đủ. Việc cần kíp là mạnh tay xử lý dự án yếu kém, tối ưu hóa từng đồng vốn đầu tư công để mang lại giá trị sử dụng cao nhất, phục vụ sự phát triển chung của đất nước.
Bình luận (0)