Sáng 3-4, một số khu vực tại tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa vừa đến mưa to kèm gió lớn. Tại nhiều địa phương ở tỉnh này, hàng ngàn nông dân cùng các lực lượng chức năng hối hả gặt lúa vụ Đông - Xuân để tránh bị ngã đổ.
Một chiếc tàu cá của ngư dân xã Nhơn Lý bị sóng đánh vỡ toang
Sáng cùng ngày, tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, do sóng to gió lớn nên các lực lượng chức năng phải tạm dừng công tác trục vớt các phương tiện của ngư dân bị chìm đắm trong đợt mưa gió bất thường vừa qua.
Trước đó, ngày 2-4, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng, quân đội, công an… cùng với lực lượng dân quân, thanh niên và chính quyền địa phương tổ chức trục vớt các phương tiện của ngư dân bị chìm đắm tại vùng biển xã Nhơn Lý. Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, chiếc tàu cá trị giá 60 triệu đồng của ông Phạm Văn Bình (58 tuổi; ngụ thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý) đã được kéo lên bờ biển thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý. Nhìn chiếc tàu bị vỡ nát te tua, ông Bình đã không cầm được nước mắt.
Sau khi được lực lượng chức năng kéo lên bờ, ông Phạm Văn Bình rơi nước mắt khi thấy chiếc tàu cá của mình bị hư hỏng nặng
Hướng mắt về các lực lượng chức năng đang trục vớt ngoài biển, bà Trần Thị Xinh (62 tuổi; ngụ thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý) cho biết gia đình bà vừa đầu tư tiền để sơn, sửa lại chiếc tàu cá có công suất 22 CV, trị giá khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sơn sửa chưa xong thì đã bị sóng đánh chìm.
Đại tá Trần Quốc Bình - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định – cho biết từ trước đến nay, khu vực ven biển tỉnh Bình Định không có xảy ra sóng dữ, gió lớn bất thường gây chìm tàu thuyền vào tháng 3 như trong đợt này. Vì vậy, nhiều ngư dân trở tay không kịp nên bị thiệt hại nặng. Kết quả trục vớt tại vùng biển Quy Nhơn tính đến sáng 3-4, các lực lượng chức năng đã đưa lên bờ được 16 phương tiện, gồm 12 tàu cá công suất nhỏ, 2 ca nô của ngư dân xã Nhơn Lý và 1 thuyền, 1 bè của ngư dân xã Nhơn Hải.
Lực lượng chức năng dùng máy múc để kéo một tàu cá bị sóng đánh chìm vào bờ
"Khó khăn nhất là nước đục, thợ lặn xuống để cột dây kéo vào phương tiện bị chìm rồi đưa lên dây lên tàu khó khăn. Thợ lặn xuống nước làm việc 1 - 2 tiếng mới hoàn thành xong 1 phương tiện. Rồi khi kéo vào bờ, do khu vực bãi biển Xuân Lý có tàu thuyền bị chìm dày đặc, lưới bao phủ và ràng buộc các phương tiện với nhau nên phải gỡ rất lâu", đại tá Trần Quốc Bình nói.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, sóng to, gió lớn bất thường vào sáng 31-3 đã đánh chìm 77 phương tiện đánh bắt của ngư dân ven biển tỉnh này, thiệt hại ước tính gần 4 tỉ đồng. Trong đó, xã Nhơn Lý 60 phương tiện, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) 3 phương tiện; xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ 8 phương tiện; xã Cát Tiến, huyện Phù Cát 6 phương tiện.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn có hơn 14 nghìn ha lúa sắp thu hoạch bị đổ ngã, 750 ha lúa bị ngập úng, hơn 2 nghìn ha hoa màu bị ngập úng. Hiện các địa phương trong tỉnh Bình Định đang tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại.
Bà Trần Thị Xinh bật khóc khi phát hiện chiếc tàu cá của gia đình bị sóng đánh chìm
Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đã tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho 50 hộ dân bị thiệt hại ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn mỗi suất quà gồm 10kg gạo và 500.000 đồng tiền mặt. UBND TP Quy Nhơn cũng đã hỗ trợ "nóng" 2 triệu đồng đối với các hộ có tàu bị chìm.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, mặc dù có những năm bão rất lớn, bà con vẫn vào neo đậu bình thường. Năm nay, gió mới cấp 7, cấp 8 nhưng đã có xoáy lốc, làm chìm nhiều tàu thuyền.
Các lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân kéo tàu cá bị chìm lên bờ
"Chúng tôi đã đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hiện tượng thời tiết này để dự báo, khuyến cáo, hỗ trợ cho các địa phương cảnh báo cho người dân. Để khắc phục hậu quả đợt mưa gió vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cùng UBND TP Quy Nhơn lên phương án trục vớt tàu thuyền bị chìm; trích ngân sách tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi hộ có tàu thuyền công suất dưới 20 CV bị chìm, thiệt hại; 15 triệu đồng đối với mỗi tàu thuyền công suất từ 20 - 50 CV. Ngoài ra, tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nhanh chóng tìm giải pháp, nguồn hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và tập trung cứu lúa", ông Thanh nói.
Bình luận (0)