Liên quan đến vụ phá rừng pơ-mu 100 tuổi tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (gọi tắt là Công ty Krông Bông, tỉnh Ðắk Lắk) mà cơ quan công an phát hiện, theo dự kiến hôm nay, 23-2, cơ quan chức năng sẽ tổ chức khám nghiệm hiện trường để làm rõ vụ việc.
Liên tục đổ lỗi
Theo hồ sơ vụ việc, dịp Tết Tân Sửu 2021, khoảng 10 đối tượng đã đổ bộ vào rừng cưa hạ nhiều cây gỗ pơ-mu quý hiếm tại lâm phần của Công ty Krông Bông. Lực lượng Công an huyện Krông Bông đã phát hiện, vây bắt các đối tượng, thu giữ gỗ lậu và 5 con trâu đang trên đường vận chuyển gỗ ra ngoài.
Rừng tự nhiên tại lâm phần Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Ea H’leo bị tàn phá. Ảnh: CAO NGUYÊN
Lý giải vụ việc trên, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Krông Bông, cho rằng những ngày Tết, lực lượng bảo vệ rừng nghỉ nên thiếu người. Do đó, ông Tuấn cho cơ chế thuê người bảo vệ tài sản trong 2 chốt quản lý bảo vệ rừng tại tiểu khu 1206 và 1219. Lực lượng còn lại đi tuần tra rừng nhưng hôm xảy ra vụ phá rừng thì đi tuyến khác. "Lãnh đạo công ty đã phân công nhiệm vụ cho lực lượng bảo vệ rừng. Tôi mong muốn cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ ràng trách nhiệm. Ca trực đó, ông nào dính là tôi không bảo vệ, để bộ máy trong sạch hơn" - ông Tuấn quả quyết.
Trả lời câu hỏi việc rừng của Công ty Krông Bông liên tiếp bị tàn phá nhiều năm qua, với vai trò giám đốc, ông thấy mình có trách nhiệm gì, ông Tuấn phân trần tháng 5-2020, ông đã thành lập chốt với 14 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng tại tiểu khu 1219. Từ lúc thành lập chốt thì kiểm soát được, chỉ có từ ngày 29 tháng chạp đến mùng 2 Tết vừa qua mới xảy ra vụ việc. "Tiểu khu này thu về 350 triệu đồng/năm nhưng tôi đã bỏ ra hơn 1 tỉ đồng/năm và với trách nhiệm của chủ rừng là tôi phải làm để chứng minh với cấp trên" - ông Tuấn nói.
Phóng viên tiếp tục thắc mắc rằng ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, nói 1 con trâu thì không nói chứ 5 con trâu đi qua 2 chốt bảo vệ rừng, lực lượng bảo vệ rừng phải biết, ông Tuấn nói: "Lâm tặc cũng tính toán rất kỹ. Có thể lúc đó anh đi tuần tra hay đi đâu đó"(!?). Chưa thấy ông Tuấn nhận trách nhiệm, phóng viên hỏi tiếp với vai trò là giám đốc, theo quy định, ông phải chịu một phần trách nhiệm? "Tôi là giám đốc điều hành, ông Võ Sỹ Sáu là chủ tịch công ty, đại diện pháp luật. Với vai trò quản lý là tôi đã làm, còn vai trò bảo vệ là anh em phân trường" - ông Tuấn lý giải.
Tương tự, ngày 22-2, chúng tôi đã có mặt tại khu vực xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Ðắk Lắk do Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Ea H’leo ghi nhận cảnh nhiều hecta rừng tự nhiên bị tàn phá. Tại hiện trường, hàng loạt cây gỗ đường kính 20-50 cm bị nhóm lâm tặc cưa hạ, cành lá còn xanh, gốc cây vẫn đang rỉ nhựa. Thế nhưng khi đề cập trách nhiệm, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV hai thành viên Ea H’leo, lại nói đã làm hết mình, tuy nhiên, khu vực rừng bị chặt phá có nhiều hộ dân sinh sống dưới chân núi nên khó kiểm soát (!?).
Rừng giao cho cộng đồng cũng bị bức hại
Cũng liên quan đến việc rừng bị tàn phá, UBND huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai vừa có văn bản gửi UBND huyện Phú Thiện đề nghị phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn chặn tình trạng người dân Phú Thiện đến địa bàn giáp ranh tại xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang để cưa hạ gỗ trái phép.
Ðộng thái trên được thực hiện sau khi Báo Người Lao Ðộng phản ánh vào dịp giáp Tết, 40 người đã đưa 12 xe công nông độ chế, phương tiện đến khoảnh 7, tiểu khu 585, thuộc rừng giao cho cộng đồng làng Klah, xã Kon Chiêng quản lý để cưa hạ nhiều cây gỗ trái phép và đã bị lực lượng chức năng phát hiện. Ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, cho biết bước đầu đã xác định các "lâm tặc" là người dân tại Phú Thiện lợi dụng ngày cận Tết, nghĩ rằng lực lượng chức năng lơi lỏng nên kéo sang cưa gỗ về để làm nhà. "Rất may tổ tuần tra cộng đồng làng Klah đã kịp thời phát hiện nên vụ việc chưa gây thiệt hại lớn" - ông Lê Trọng nói.
Theo ông Trần Ðức Ðại, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, về nguyên tắc khi rừng bị xâm hại thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm. Ở đây, khu rừng đã giao cho cộng đồng làng Klah, xã Kon Chiêng canh giữ, bảo vệ thì người dân ở đây phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong vụ việc này, người dân huyện Phú Thiện kéo sang cưa hạ cây rừng thì người dân làng Klah đã phát hiện, báo chính quyền địa phương để ngăn chặn. "Vụ việc này có thiệt hại nhưng người dân đã báo chính quyền kịp thời. Góp phần tích cực trong công tác ngăn chặn. Nếu không, với 40 người, 12 xe công nông độ chế đó mà phá một tuần thì hậu quả sẽ khôn lường" - ông Ðại nói.
Phản hồi thông tin trên, ông Trịnh Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho hay đã chỉ đạo Công an huyện và Hạt Kiểm lâm huyện khẩn trương xác minh, làm việc với chính quyền địa phương và cộng đồng nơi có người tham gia cưa gỗ trái phép trên địa bàn huyện Mang Yang để làm rõ, răn đe. "Ban đầu xác định người dân tại địa phương đi cưa gỗ về để làm nhà theo phong tục" - chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết.
Giám đốc Công ty Krông Bông từng bị kiểm điểm
Trước đó, sau khi báo chí phản ánh tình trạng phá rừng pơ-mu, tháng 5-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép và xem xét trách nhiệm của các đơn vị. Sau chỉ đạo này, UBND tỉnh Ðắk Lắk đã tổ chức cuộc họp và ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Krông Bông, đã bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Bình luận (0)