Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn có văn bản đề nghị tổ chức kiểm tra, rà soát diện tích rừng bị mất, diện tích bị sai lệch so với thực tế; làm rõ, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra mất rừng tự nhiên do phá rừng trong năm 2019.
Văn bản chỉ đạo kiểu như trên thì quen quá, bởi nó đã được các cơ quan hữu trách ban hành rất nhiều lần hàng chục năm qua. Và càng quen thuộc hơn là dù chỉ đạo gắt gao như thế nhưng rừng vẫn bị đốn hạ, đất rừng bị xâu xé, trong khi những người có trách nhiệm quản lý rừng thì hiếm khi bị xử lý.
Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 07/2012 về một số chính sách tăng cường bảo vệ rừng. Quyết định này giao trách nhiệm cụ thể cho UBND từng địa phương nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, kèm theo đó là các chính sách tài chính cho từng lực lượng tham gia. Thủ tướng cũng chỉ đạo hàng loạt bộ phối hợp với UBND các địa phương, như: Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Thế nhưng, rừng vẫn mất!
Đến năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký Quyết định 38/2016 về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp. Rồi đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ lại ký tiếp Quyết định 297 phê duyệt đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030. Mục tiêu là bảo vệ hơn 2,246 triệu ha rừng tự nhiên hiện có vào thời điểm này và nâng diện tích rừng lên 2,7 triệu ha vào năm 2030. Có thể nói, chủ trương bảo vệ và phát triển rừng rất đầy đủ và quyết liệt nhưng việc thực hiện chủ trương này quá yếu kém ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh - thành có nhiều rừng.
Rừng mất hiển nhiên là do… lâm tặc. Mà lâm tặc là ai? Bây giờ lâm tặc đâu chỉ còn là những tay bặm trợn phá rừng trực tiếp và chuyên nghiệp. Lâm tặc bây giờ còn là những đại gia, đường đường chính chính là chủ doanh nghiệp, có vai vế trong xã hội, có khi chưa một ngày bước chân vào rừng. Họ có thể phá cả ngàn hecta rừng và biến đất rừng thành dự án của cá nhân. Không khó tìm những dự án trồng rừng, thủy điện, du lịch… trên nền rừng tự nhiên trù phú ngày xưa ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hiện nay.
Đôi khi lâm tặc còn là chính những người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng. Cách đây chưa lâu, vào tháng 4-2020, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố 3 bị can vi phạm quy định về quản lý rừng. Trong số này có nguyên giám đốc Sở NN-PTNT, nguyên chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng, bị can còn lại là giám đốc một công ty TNHH. Những người này cấu kết với nhau phá hơn 75 ha rừng tự nhiên và biến thành đất trồng cao su của doanh nghiệp.
Với đà phá rừng như hiện nay, nếu chỉ có những biện pháp ngăn chặn trên... giấy thì sẽ đến lúc con cháu chúng ta chỉ còn thấy rừng qua sách vở!
Bình luận (0)