Trước tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, hạn mặn ở vùng Tây Nam Bộ đang diễn tiến ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trong vùng… Do vậy, cần sớm có giải pháp cụ thể, tối ưu để đồng bộ hóa tuyến đường cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ nhằm vực dậy, khai thông tiềm năng phát triển của vùng ĐBSCL.
Chính phủ quyết liệt
Mặc dù đang phải căng mình đối phó với đại dịch Covid -19, nhưng với tầm quan trọng và cấp thiết của hệ thống giao thông miền Tây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ ngành tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Đặc biệt, ngày 8-3-2020 vừa qua Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra công trường Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, và đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương triển khai thi công đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, để kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc TP HCM đến Cần Thơ trong năm 2022.
Hiện nay trên tuyến cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ, ngoài đoạn TP HCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác, các đoạn khác gồm Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai, cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đều chỉ mới trong quá trình chuẩn bị. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 triển khai bằng vốn vay ODA và Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ thì chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Cần sớm hoàn thành tuyến đường cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ nhằm vực dậy, khai thông tiềm năng phát triển của vùng ĐBSCL (trong ảnh là đoạn TP HCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác).
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư những dự án triển khai theo phương thức PPP hiện nay, đều gặp khó khăn về nguồn vốn huy động từ các ngân hàng, đây chính là "điểm nghẽn", cần sớm có giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ tình trạng này. Điển hình như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, một công trình được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhưng mãi đến gần đây mới hợp vốn của 4 ngân hàng cho vay.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng, nếu Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ không có những giải pháp mang tính đột phá, nếu vẫn duy trì theo cách làm cũ về trình tự tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, việc hợp vốn, đàm phán ký hợp đồng, giải ngân… Nghĩa là vẫn theo quy trình tương tự như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì sẽ kéo dài thời gian, khó đảm bảo tiến độ để kết nối vào đoạn TP HCM đến Mỹ Thuận như mong đợi.
Từ 41 tháng còn 24 tháng
Mới đây, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất hướng giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành toàn tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ đúng tiến độ.
Cụ thể, công ty này cho rằng đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp nên được kết nối vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang thì sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, phát huy việc phối hợp điều hành tốt của tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư như trong thời gian qua.
Một đề xuất đáng chú ý của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là "Điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án do tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định của Khoản 1 Điều 32 Nghị định 63/2018/NĐ-CP, tuân thủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng "khi ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố môi trường… hoặc xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội cho dự án thì được điều chỉnh dự án".
Về cơ cấu vốn cho đoạn tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Đông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng: "Nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia 50%, khoảng 2.400 tỉ đồng phần còn lại doanh nghiệp dự án sẽ cùng các đối tác là các nhà đầu tư, nhà thầu… huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu, các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện thông tuyến dự án vào năm 2021".
Những tính toán và đề xuất của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm tận dụng thiết bị sẵn có, sự phối nhịp nhàng của địa phương và nhà đầu tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án còn 24 tháng, so với trình tự thông thường là 41 tháng, hoàn thành trong năm 2022, góp phần quan trọng trong việc tạo ra động lực, nguồn lực mới cho sự phát triển nhanh hơn của vùng ĐBSCL.
"Để có thể rút ngắn thời gian thực hiện toàn tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ, điều quan trọng là phải khắc phục việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, và phải chọn được những nhà thầu có năng lực"- PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) nhận định.
Bình luận (0)