Những ngày qua, nhiều người dân ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi. Họ là những người mua đất tại Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Nọc Nạng (gọi tắt là Dự án KDC Nọc Nạng - phường 1, thị xã Giá Rai) nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ, giao đất.
Trúng thầu khi đang mang án
Dự án KDC Nọc Nạng rộng hơn 11 ha do UBND huyện Giá Rai làm chủ đầu tư. Theo hồ sơ chúng tôi có được, kế hoạch đấu thầu Dự án KDC Nọc Nạng được UBND huyện Giá Rai phê duyệt và lập trước cả khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương. Cụ thể là ngày 10-11-2010, UBND huyện Giá Rai phê duyệt và lập kế hoạch đấu thầu nhưng đến ngày 21-12-2010 mới có công văn chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Bạc Liêu.
Tiếp đến, UBND huyện Giá Rai tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu nhưng không gửi thư mời thầu đến nhà đầu tư trong danh sách đăng ký tham gia. Hàng loạt sai sót trong hồ sơ mời thầu như hợp đồng nguyên tắc kiểm định vật tư, vật liệu, cấu kiện bán thành phẩm giữa Liên danh Công ty Xây dựng số 8 & Thiên Phúc và Chi nhánh Công ty CPTV Xây dựng Nguyễn Minh cũng không nêu người đại diện hợp pháp của chi nhánh công ty này nhưng tổ chuyên gia vẫn đánh giá là đạt...
Dự án khu dân cư Nọc Nạng không khác gì bãi đất hoang
Tại công văn số 3594 ngày 11-10-2012, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu rõ việc UBND huyện Giá Rai tổ chức triển khai thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với Dự án KDC Nọc Nạng có những việc còn sai sót, chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, đề nghị UBND huyện Giá Rai khắc phục những sai sót và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, ngày 18-10-2012, ông Nguyễn Văn Trận, Phó Chủ tịch UBND huyện Giá Rai, ký tiếp Quyết định số 4579, thay thế các quyết định bị cho là sai sót trước đây của UBND huyện về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) Dự án KDC Nọc Nạng. Song, quyết định này vẫn giữ nguyên kết quả lựa chọn nhà đầu tư mà không hề khắc phục sai sót theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Dãy nhà của nguyên lãnh đạo Huyện ủy Giá Rai trong Dự án khu dân cư Nọc Nạng
NĐT được UBND huyện Giá Rai chọn là Công ty TNHH Thiên Phúc (trụ sở tại đường Cao Văn Lầu, khóm 3, phường 5, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) với giá trúng thầu là 63 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 1-2012 nhưng chỉ một năm sau đó, NĐT đã được cấp hàng trăm sổ đỏ để thế chấp, cầm cố và hợp đồng bán cho người dân để lấy hàng chục tỉ đồng rồi lặn mất, bỏ lại dự án ngổn ngang gần 5 năm nay. Tại thời điểm Công ty TNHH Thiên Phúc được lựa chọn là NĐT, giám đốc doanh nghiệp này là ông Nguyễn Việt Trung đang mang án 18 tháng tù treo vì hành vi trốn thuế.
Ưu ái bất thường
Sau khi được lựa chọn, tổng số tiền trúng thầu mà Công ty TNHH Thiên Phúc phải nộp cho ngân sách là hơn 27 tỉ đồng. Thời gian nộp được phân thành 3 kỳ: 30% sau 6 tháng kể từ ngày xác định trúng thầu; 40% và sau 12 tháng và 30% sau 18 tháng. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, Công ty TNHH Thiên Phúc chỉ mới nộp hơn 9 tỉ đồng, trong đó có 7,7 tỉ đồng tiền sử dụng đất.
Điều khó hiểu là ngay sau đó UBND huyện Giá Rai lại có Công văn số 427 về việc xin hoãn nộp tiền sử dụng đất cho NĐT, do ông Nguyễn Văn Trận ký ngày 24-10-2012. Công văn nêu: "… Theo quy định đối với phần thực hiện nghĩa vụ tài chính thì Công ty TNHH Thiên Phúc phải nộp 100% tiền sử dụng đất là 13.783.361.340 đồng để được cấp quyền sử dụng đất… Xét điều kiện thực tế của huyện cũng như cân nhắc những khó khăn của NĐT, UBND huyện chuyển đến UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép Công ty TNHH Thiên Phúc được hoãn nộp phần tiền sử dụng đất còn lại là 6.083.361.340 đồng từ nay đến hết ngày 31-3-2013. Và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở với diện tích tương ứng với tỉ lệ số tiền sử dụng đất đã nộp…".
Ngay sau đó, Công ty TNHH Thiên Phúc không chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 111 nền như đề xuất mà tới 214 nền. Trong đó, tổng số nền đã thi công xong hệ thống hạ tầng là 160 nền (đường số 1 và đường số 8), còn lại 54 nền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa có hệ thống hạ tầng. Đáng nói là hạ tầng đường số 1 và đường số 8 không phải do NĐT thực hiện mà do UBND huyện Giá Rai đầu tư xây dựng bằng ngân sách nhà nước.
Có dấu hiệu lừa đảo
Theo báo cáo số 145 ngày 26-5-2017 của UBND thị xã Giá Rai thì trong tổng số 214 nền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Thiên Phúc đã chuyển quyền sử dụng đất cho cá nhân là 79 nền. Trong đó, có một số trường hợp chuyển nhượng cho 2 cá nhân trên cùng một thửa đất.
Cụ thể, thửa đất số 177 được chuyển nhượng cho bà Trần Thị Mai Trinh (hợp đồng ngày 30-12-2013) và ông Lê Ngọc Hưng (hợp đồng ngày 27-4-2015); thửa số 176 chuyển nhượng cho bà Trần Thị Mai Trinh (hợp đồng ngày 30-12-2013) và ông Nguyễn Tuấn Anh (hợp đồng ngày 27-4-2015)... Tất cả các hợp đồng đều trả tiền đủ 100% cho Công ty Thiên Phúc nhưng đến giờ vẫn chưa có người nào có quyền sử dụng đất.
Không chỉ bán một thửa đất cho 2 người, Công ty TNHH Thiên Phúc còn đem cả những thửa đất đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho dân tiếp tục thế chấp cho các tổ chức tín dụng để vay tiền. Còn lại 135 nền chưa bán, công ty cầm cố cho tư nhân và thế chấp cho các tổ chức tín dụng. Trong đó có 57 nền cầm cố cho ông Võ Văn Dành ở thị xã Giá Rai 17 tỉ đồng nhưng không có khả năng trả nợ nên bị ông Dành khởi kiện và tòa án tuyên buộc phát mãi 57 nền nói trên trả cho ông Dành. Nhưng trong 57 nền đã thi hành án cho ông Dành có thửa đất số 328 đã được Công ty Thiên Phúc chuyển nhượng cho ông Lê Văn Vuông (hợp đồng ngày 22-1-2013) và ông Nguyễn Công Danh (hợp đồng ngày 30-5-2013). Thửa đất này có giá trị hợp đồng là 260 triệu đồng và Công ty Thiên Phúc đã nhận đủ tiền của cả ông Vuông và ông Danh, mỗi người 260 triệu đồng…
Ông Trịnh Phi Hoàng, một trong những nạn nhân mua đất nền của Công ty Thiên Phúc, cho biết ông và nhiều người thân vay tiền ngân hàng để mua nhiều nền nhà trong dự án. Riêng ông vay 400 triệu để mua 2 nền, trả đủ 100%. Thế nhưng, khi đề nghị Công ty Thiên Phúc chuyển quyền sử dụng đất thì phía công ty viện nhiều lý do né tránh. "Đã 5 năm qua, tôi è cổ gánh nợ ngân hàng, trong khi ông Trung - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc - xác nhận đã mang 2 sổ đỏ các thửa đất tôi mua thế chấp tại Agribank Bạc Liêu vay đến 460 triệu đồng. Cũng trong chừng ấy thời gian, tôi khiếu nại nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn không có kết quả" - ông Hoàng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nạn nhân mua đất nhưng không được giao sổ đỏ của Công ty Thiên Phúc thì ngoài người dân còn có nhiều cán bộ thị xã Giá Rai và tỉnh Bạc Liêu. Cho đến thời điểm này, có điều lạ là hầu hết các thửa đất của một số cán bộ nắm chức vụ quan trọng đều đã được khắc phục hậu quả, còn lại người dân thì khiếu nại khắp nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Đề nghị chuyển cơ quan điều tra
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, cho biết sai phạm tại Dự án KDC Nọc Nạng rất phức tạp và khó xử lý hậu quả. "Các cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ các dấu hiệu vi phạm của NĐT và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Hiện chúng tôi đang chờ kết luận chính thức của Thanh tra Sở Xây dựng để làm căn cứ xử lý. Quan điểm của UBND thị xã là vụ việc này cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm, sau đó mới tiến hành thu hồi dự án để kêu gọi đầu tư".
Bình luận (0)