Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, đề nghị VKSND Tối cao truy tố các bị can nguyên cán bộ của trường.
Đề nghị truy tố 10 bị can
Theo kết luận điều tra, các bị can bị đề nghị truy tố là Dương Văn Hòa (nguyên hiệu trưởng), Trần Kim Oanh (nguyên phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (phó hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) và 6 người khác. Những người này liên quan đến việc cấp hàng trăm bằng cử nhân ngôn ngữ Anh giả cho các đối tượng làm luận án tiến sĩ, xét tuyển nghiên cứu sinh…
Trường ĐH Đông Đô, nơi cấp hàng trăm bằng cử nhân ngôn ngữ Anh giả từ năm 2015-2017 .Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Kết luận điều tra cũng cho hay dù Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015, bộ đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Cụ thể, Trường ĐH Đông Đô có công văn gửi Vụ Kế hoạch Tài chính báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Năm 2016 và 2017, Trường ĐH Đông Đô tiếp tục có công văn gửi bộ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó đăng ký 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy mỗi năm. Bộ GD-ĐT đã có thông báo gửi Trường ĐH Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016, 2017. Bên cạnh đó, Vụ Giáo dục ĐH cũng cho đăng đề án tuyển sinh năm 2017 của Trường ĐH Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2. Năm 2018, Trường ĐH Đông Đô tiếp tục gửi đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục ĐH và được đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, nội dung đề án có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2.
Theo cơ quan điều tra, các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Giáo dục ĐH thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2, trong khi trường chưa được cho phép đào tạo, là vi phạm quyết định của bộ trưởng về đào tạo cấp bằng ĐH thứ hai. Những vi phạm này cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý.
Buông lỏng quản lý
Liên quan đến những sai phạm của Trường ĐH Đông Đô, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 25-11, một đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định quan điểm của Bộ GD-ĐT là xử lý nghiêm, sai đến đâu xử lý đến đó. Vị này cũng cho biết đang tìm các giải pháp phù hợp và có thể sẽ có một buổi gặp gỡ để chính thức thông tin đến báo chí.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, phân tích đã có lỗ hổng quản lý, thiếu sự phối hợp, giám sát giữa các vụ liên quan của Bộ GD-ĐT. "Hiện nay, khi các trường được tự chủ mở ngành cũng không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Trách nhiệm của bộ là kiểm tra, giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, bộ cũng có thể có sự tác động cần thiết nếu các trường tổ chức đào tạo ở các ngành mà nhu cầu thị trường không nhiều, làm mất cân đối cung cầu thị trường lao động" - TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng trong hoạt động tuyển sinh của các trường đôi khi vẫn thấy một số nơi tổ chức tuyển sinh trước khi được Bộ GD-ĐT cho phép nên mới có chuyện vụ chức năng của bộ thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ. "Vấn đề ở Trường ĐH Đông Đô, có thể trong quá trình chờ quyết định cấp phép, trường đã có những vi phạm nên bộ không cấp phép đào tạo văn bằng 2" - PGS Ngoạn nhận định. Tuy nhiên theo chuyên gia này, dù là lý do gì đi chăng nữa, việc Trường ĐH Đông Đô có những vi phạm nghiêm trọng như cơ quan điều tra công bố thì sai phạm của Bộ GD-ĐT đã rõ ràng.
Chưa công bố người làm luận án tiến sĩ dùng bằng giả
Theo kết luận điều tra, giai đoạn 2015-2017, các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD-ĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.
Các bị can trong vụ án này đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh, tuy nhiên cơ quan chức năng chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh. Trong số này, 193 người được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp. Toàn bộ bằng giả do Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT nhà trường, đã bỏ trốn). Đã có 60 người sử dụng bằng giả, trong đó 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Bình luận (0)