Ngày 4-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội. Các thành viên Chính phủ cũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Nội dung sai sót trong sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được nhiều đại biểu (ĐB) phát biểu, tranh luận, đã làm nóng nghị trường.
Nếu chấp nhận sai sót là thỏa hiệp
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng việc bà đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc là với lĩnh vực in ấn xuất bản, điều này cũng góp phần trả lại sự công bằng cho các nhà xuất bản làm ăn chân chính.
Phản hồi lại ý kiến của ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng sai sót này không nghiêm trọng đến mức hình sự hóa, ĐB Đặng Thị Phương Thảo cho rằng phần lớn bài phát biểu của bà tập trung vào đề xuất giải pháp để cho ngành giáo dục tốt hơn, với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề. "Về SGK lớp 1, thực tế cử tri địa phương đã phản ánh với ĐBQH. Với tư cách là ĐBQH, tôi cho rằng chúng ta phải làm tròn trách nhiệm với cử tri, với nhân dân" - ĐB Thảo nói.
Ngay sau đó, ĐB Bùi Văn Phương lại bấm nút đăng ký tranh luận lại. "Nói ở đây không phải là để bênh Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), mà chúng ta cần có cái nhìn khách quan. SGK Tiếng Việt lớp 1 có lỗi, có sạn nhưng việc đó không đến mức độ nghiêm trọng như một số ý kiến. Sai sót là vấn đề khó tránh khỏi khi một chương trình mới bắt đầu" - ĐB Phương tranh luận.
Còn theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), không phải tự nhiên mà phần lớn dư luận xã hội bức xúc và giận dữ khi nhắc về các bộ SGK lớp 1. Giá trị một bộ SGK khác hoàn toàn với một sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu chấp nhận các bộ sách như một lốp xe đầy những mảnh chắp vá để tiếp tục vận hành thì đó là một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại, là sự xem nhẹ giá trị nhân văn. Sự trong sáng của tiếng Việt rất cần được truyền dạy một cách thấu hiểu, cẩn trọng, tận tâm và tận tụy đối với từng đứa trẻ vừa bước qua tuổi mầm non.
ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho biết nhiều chuyên gia đã nhận định chúng ta học tập tham khảo rất nhiều nước và áp dụng mỗi nơi một ít vào chương trình giáo dục đổi mới, vì vậy, SGK khi biên soạn cũng bị đẽo gọt theo một hệ thống không hoàn thiện. Điều đó càng bộc lộ rõ hơn về quy trình, thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng đến khó tin.
"Người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược" - ĐB Hiền khẳng định và nói rằng với tất cả niềm tin vào một Chính phủ kiến tạo, ĐB rất mong các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần dũng cảm nhìn thẳng sự thật, cho dừng sử dụng những bộ SGK chất lượng thấp. Cần thiết thì nên lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục mới để hoàn thiện chặt chẽ.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) phát biểu về sách giáo khoa tại nghị trườngẢnh: Nguyễn Nam
Chính phủ đặc biệt quan tâm
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp về SGK của các ĐBQH và người dân. Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục để có một bộ SGK thật tốt, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.
"Mặc dù không thuộc thẩm quyền trực tiếp, tuy nhiên cũng giống như những vấn đề giáo dục khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề SGK" - Phó Thủ tướng nói. Trong các phiên họp gần đây của Chính phủ đều có thảo luận về vấn đề SGK. Thủ tướng đã nhắc nhiều lần, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp họp 2 lần với Bộ GD-ĐT… "Qua những lần làm việc có thể thấy sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt có sai sót. Những sai sót này phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT thực hiện theo đúng tinh thần như vậy. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm theo luật là thuộc về bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo khá cương quyết như đã thay chủ tịch hội đồng thẩm định. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng như Bộ GD-ĐT phải hết sức lưu ý vì những sai sót có thể tránh được thì phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và nghiêm khắc để quy trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 năm nay và những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như trên.
Hôm nay, 5-11, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Có chính sách cho người mất việc
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị phân tích kỹ hơn về những khó khăn của thị trường lao động khi báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của 9 tháng năm 2020 đã gần 1,2 triệu người, tăng 132.000 người so với cùng kỳ năm trước. Ông cũng đề nghị cần quan tâm đến số người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập, con số này là 31,8 triệu người, bao gồm người mất việc, nghỉ việc, giảm giờ làm. Vì vậy cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong thời gian tới. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tính toán cụ thể hơn, có chính sách cụ thể hơn đến đội ngũ công nhân, người lao động mất việc.
Bình luận (0)