Tổ chức phi chính phủ Thụy Điển IPEN phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED), vừa có báo cáo về điều kiện làm việc của nữ công nhân ở các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Làm việc đến mức kiệt quệ?
Theo báo cáo này, IPEN và CGFED đã phỏng vấn 45 lao động nữ làm việc tại 2 nhà máy điện tử lớn của Samsung ở tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên. Những nội dung chính trong báo cáo cho rằng không có lao động nào trong số 45 người được phỏng vấn nhận bản sao hợp đồng lao động. Tất cả lao động nữ đều nói hợp đồng lao động bị doanh nghiệp giữ.
Báo cáo của IPEN và CGFED cũng cho biết lao động nữ thông báo tình trạng làm việc kiệt quệ bao gồm làm xen ca cả ngày lẫn đêm trong thời gian lên tới 4 ngày; đứng liên tục trong suốt 9-12 giờ làm việc; làm việc trong môi trường tiếng ồn vượt quá giới hạn luật lao động cho phép. Lao động có thai cũng phải đứng trong suốt thời gian làm việc nhưng được nghỉ giải lao. Tuy nhiên, hầu hết không ai dám nghỉ vì sợ Samsung cho rằng lao động nghỉ quá thời gian cho phép. Thời gian biểu bị quản lý chặt tới mức người lao động phải xin thẻ đi vệ sinh.
Nghiêm trọng hơn, báo cáo của IPEN và CGFED cho biết lao động nữ gặp một loạt những ảnh hưởng về sức khỏe khi đều cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu tại nơi làm việc; sẩy thai hay những biểu hiện khác như giảm thị lực, chảy máu mũi, đau bụng, xương và khớp.
Samsung nói IPEN "hoàn toàn sai"
Chiều 23-11, Samsung Việt Nam đã gửi đến Báo Người Lao Động nội dung bản "tuyên bố" phản hồi chính thức của doanh nghiệp này đối với báo cáo của IPEN và CGFED về điều kiện làm việc tại các nhà máy của Samsung ở Việt Nam.
Trong bản tuyên bố, Samsung Việt Nam nhấn mạnh lấy làm tiếc về việc CGFED hợp tác cùng IPEN, tiến hành nghiên cứu điều tra nhưng "không hề đến thăm nhà máy Samsung điện tử Việt Nam hay xác minh lại lập trường quan điểm của công ty mà chỉ đơn phương đưa ra bản báo cáo về những nội dung không hề có căn cứ sát thực".
Samsung cho rằng luôn cố gắng hết mình vì sức khỏe và sự an toàn, phúc lợi của người lao động và tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty "đều đang tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam cũng như những tiêu chuẩn toàn cầu". Tất cả cán bộ, nhân viên Samsung điện tử Việt Nam ngay khi vào công ty đều được ký hợp đồng lao động, công ty và người lao động mỗi bên giữ 1 bản. "Báo cáo của IPEN rằng công ty không đưa hợp đồng cho người lao động là hoàn toàn sai" - theo Samsung Việt Nam.
Samsung Việt Nam khẳng định đã và đang bảo đảm thời gian nghỉ ngơi và thời gian dùng bữa đầy đủ cho người lao động theo đúng luật lao động Việt Nam. "Báo cáo của IPEN rằng thời gian nghỉ ngắn và khi muốn đi vệ sinh phải được cho phép ra vào đặc biệt là điều không đúng sự thực", bởi các nhân viên tại Samsung điện tử Việt Nam có thể sử dụng nhà vệ sinh bất kỳ lúc nào và không phải chịu bất kỳ giới hạn về thời gian.
Vì sức khỏe của nhân viên, Samsung luôn tiến hành kiểm tra sức khỏe 1 lần mỗi năm cho toàn bộ nhân viên. Samsung cũng xây trung tâm y tế trong công ty với tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhân viên. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp cấp cứu khẩn cấp, công ty đã thiết lập hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp với bệnh viện địa phương. Với mục đích phòng ngừa các loại bệnh đa dạng có thể phát sinh do các thao tác lặp đi lặp lại liên tục, Samsung có trung tâm cơ xương khớp cung cấp chương trình quản lý công thái học cho các nhân viên.
Samsung Việt Nam cũng cho biết tùy theo tính chất của công việc và từng công đoạn mà nhân viên phải thực hiện các thao tác đứng hoặc ngồi nhưng không có cơ chế nào phân chia bậc lương căn cứ theo điều này. Tùy theo từng công đoạn mà công ty đang vận hành 2 ca hoặc 3 ca và toàn thể các nhân viên đều được bảo đảm thời gian nghỉ ngơi phù hợp.
Samsung cho biết có sử dụng hóa chất trong một số công đoạn song đều áp dụng các biện pháp phù hợp để người thực hiện các công đoạn không bị phơi nhiễm với hóa chất nhờ thiết bị thoát khí được trang bị đầy đủ bên trong các thiết bị khép kín, cùng với việc đeo các trang thiết bị bảo hộ. "Bằng việc đo lường đánh giá môi trường làm việc 2 lần/năm, cao hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam (mỗi năm 1 lần), Samsung Việt Nam đã và đang duy trì môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn" - tuyên bố của Samsung khẳng định.
Samsung điện tử Việt Nam cũng nhấn mạnh bảo vệ nhân viên là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ theo luật lao động Việt Nam và "hoàn toàn không có việc cắt giảm lương một cách bất hợp lý vì lý do mang thai".
Công nhân Samsung nói gì?
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng việc tuân thủ pháp luật lao động của Samsung Việt Nam đều tốt và không có vấn đề gì đáng phải lo ngại. Ngoài ra, các chính sách đãi ngộ, phúc lợi của Samsung Việt Nam đối với người lao động như mức thu nhập, chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân đều rất tốt.
Công nhân Samsung điện tử Việt Nam trong giờ ăn giữa ca Ảnh: SSVN
Chiều 23-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp xúc trực tiếp với một số nữ công nhân đang làm việc tại Samsung điện tử Việt Nam ở Khu Công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Chị Lý Thị Phượng - quê huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, làm việc cho công ty từ tháng 2-2017 - cho biết nếu tăng ca đều, thu nhập bình quân mỗi tháng được từ 7,5-8 triệu đồng. Nói về cường độ làm việc, chị Phượng cho biết "chưa đi làm ở công ty bao giờ nên ban đầu cũng hơi mệt, do chưa quen phải đứng lâu. Nhưng bây giờ quen rồi thì thấy bình thường và hài lòng về thu nhập và môi trường làm việc tại đây". Về thời gian nghỉ ngơi, nếu một ngày làm việc 8 giờ, sẽ có 2 lần nghỉ giải lao cộng thêm thời gian nghỉ ăn cơm. "Đồ ăn khá ngon với 2 món chính, 2 món phụ, trái cây" - chị Phượng nói.
Võ Thị Thơ - 21 tuổi, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, làm việc tại Samsung điện tử Việt Nam được 3 năm, thu nhập bình quân hơn 8 triệu đồng/tháng - kể chị được Samsung ký hợp đồng và mỗi bên đều được giữ một bản. Hiện chị Thơ đang ở trong khu ký túc xá của công ty nhưng chỉ đóng 50.000 đồng/tháng. "Ký túc xá của công ty rất khang trang, sạch sẽ và nhiều tiện nghi. Công nhân chúng tôi được sử dụng miễn phí các phòng tập thể thao, phòng trang điểm, thư viện, các câu lạc bộ giải trí... Mua hàng ở siêu thị trong ký túc xá được giảm giá từ 5%-10%" - chị Thơ kể.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết chưa được tiếp cận báo cáo của IPEN và CGFED. "Qua thông tin báo chí, tôi thấy báo cáo của IPEN và CGFED có vấn đề. Việc đánh giá về doanh nghiệp cần phải có thông tin đa chiều. Cục An toàn lao động và cá nhân tôi cũng đã đến Samsung để kiểm tra và thấy vấn đề không nghiêm trọng như báo cáo của IPEN và CGFED nêu" - ông Thơ nói.
Đại diện truyền thông ILO Việt Nam cho rằng: "Hiện ILO Việt Nam chưa có bất kỳ bình luận hay đánh giá gì về bản báo cáo này, bởi bản báo cáo chưa được dịch ra tiếng Việt và chưa công bố".
Không nên vội vàng đánh giá
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh phải bình tĩnh kiểm chứng thông tin để có thông tin khách quan, không nên hoang mang.
"Tôi cho rằng không phải là tổ chức kia khảo sát bao nhiêu người mà quan trọng là đã đến Samsung Việt Nam để xem môi trường làm việc, hay đã đo tiếng ồn ở nhà máy đó hay chưa trước khi đưa ra bản báo cáo. Còn nếu phía công bố báo cáo chỉ dựa vào phỏng vấn một chiều từ phía công nhân thì cũng khó mà kiểm chứng được số liệu này" - ông Diệp bình luận, đồng thời lưu ý các cơ quan quản lý nhà nước phải hết sức bình tĩnh để xử lý vấn đề, "không thể vì một báo cáo của một tổ chức phi chính phủ mà vội vàng có đánh giá không khách quan".
Bình luận (0)