Với người bạn đồng hành là chiếc xe máy, nhiếp ảnh gia 42 tuổi Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) đã đi qua 28 tỉnh, thành phố ven biển trong 43 ngày để chụp thực trạng rác thải đang tràn ngập ở rất nhiều bờ biển trên cả nước. Anh trở thành người Việt đầu tiên thực hiện chuyến đi dài gần 7.000 km (trong đó có 3.260 km đường bờ biển) để "săn" ảnh rác thải nhựa.
Đau đớn trước cảnh ngập ngụa rác
Với anh Hùng, nhiếp ảnh là một niềm đam mê. Mỗi bức ảnh của anh là một câu chuyện: buồn có, vui có, đôi khi là một ước muốn thay đổi thực tại.
Với đặc thù công việc của một nhiếp ảnh gia, Lekima Hùng phải đi nhiều, anh đã đặt chân đến tất cả các tỉnh, thành phố ven biển của đất nước và nhận thấy biển đảo Việt Nam đang bị tàn phá nghiêm trọng với tốc độ rất nhanh. Một trong những nguyên nhân đó là ý thức, nhận thức của các thành phần xã hội về gìn giữ môi trường biển còn hạn chế.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng trong một chuyến săn ảnh rác thải nhựa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cách đây vài năm, sau khi biết mẹ mình bị ung thư và nhựa là một trong những nguyên nhân tác động, Lekima Hùng đã có ý định làm điều gì đó ý nghĩa. Thông tin Việt Nam là nước đứng thứ 4 thế giới về xả thải càng thôi thúc anh lập kế hoạch lên đường vào năm 2017 sau một năm nghiên cứu về rác thải nhựa, chuẩn bị tài chính và các thông tin cần thiết khác. Hỏi Hùng, khi anh quyết định lên đường, gia đình có ai cản trở hay cho rằng anh "viển vông" hay không? Hùng bảo cũng nhiều người thân quen, gia đình lo lắng, nhất là khi anh lại chỉ đi một mình. "Mỗi tối, tôi cập nhật chút thông tin để người thân yên lòng. Cũng có người nghi ngờ, cho rằng tôi chả thay đổi được điều gì. Tôi chỉ cười và thầm nghĩ mọi người hãy đợi các bức ảnh sẽ trả lời" - nhiếp ảnh gia trải lòng.
Suốt 43 ngày rong ruổi, mỗi ngày anh Hùng đều bắt đầu làm việc từ 5 giờ sáng cho đến 20 giờ. Ngày nào anh cũng đi quãng đường trung bình dài 200 km, dừng lại nhiều điểm để chụp ảnh. "Nhiều hôm quá mệt, về nơi nghỉ, tôi chỉ kịp cắm sạc pin cho các thiết bị mang theo, để nguyên quần áo đi đường mà ngủ" - Hùng kể lại. Anh cũng chia sẻ hành trình của mình không hề đơn giản, một phần do chặng đường dài, thời tiết khắc nghiệt, phần vì những hiểm họa từ những chuyến xe rác đổ trộm. Có những khi cả người và xe ngã lăn nhào ra đường, giày rách, xe hỏng. Lúc ốm đau, anh phải gắng chịu và cố gắng để thực hiện tiếp chuyến hành trình. "Để bảo đảm an toàn, tôi luôn dự trữ chiếc điện thoại đen trắng ở trạng thái đầy pin để kêu cứu nếu gặp trường hợp bất trắc, bởi không phải đoạn đường nào cũng có người" - nhiếp ảnh gia chia sẻ.
Trong hành trình cô độc ấy, rất nhiều làng quê, bãi biển ngập ngụa rác đã để lại cho Nguyễn Việt Hùng cảm giác đau đớn, tiếc nuối. Ví dụ như khu chợ thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có hàng cây số rác thải, trong đó chủ yếu là nhựa, bước vào là rác đã ngập tới bắp chân. Hay có những nơi còn không nhìn thấy bãi cát mà chỉ toàn một bãi đầy túi ni-lông, chai nhựa và tiếng vo ve của ruồi nhặng, những bãi biển trải dài cát vàng mà Lekima Hùng từng đến trước đây, bây giờ đã là "trận địa" của rác.
"Chỉ hành động mới mong thay đổi"
Hơn 100 bức ảnh "săn" rác của Nguyễn Việt Hùng vừa được giới thiệu trong triển lãm "Save of Seas - Hãy cứu lấy biển" được tổ chức ngày 4-6 tại Hà Nội hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Những bức ảnh được lựa chọn từ hơn 3.000 bức ảnh anh chụp suốt chuyến đi đã thực sự ám ảnh người xem vì sự tàn phá thiên nhiên của rác thải nhựa. Hỏi anh trước khi lên đường có nghĩ hiệu ứng chuyến đi lại tốt như vậy không, câu trả lời là có nghĩ ảnh hưởng mức độ nào đó tới nhận thức và người xem. Tuy nhiên, hiện hiệu ứng từ việc anh đã làm vượt qua những gì kỳ vọng. "Tôi luôn tin những bức ảnh chân thật, giàu thông tin sẽ làm thay đổi nhận thức, hành động của người xem. Các bức ảnh của tôi được hàng triệu lượt người xem, hàng chục ngàn chia sẻ. Trong đó, tôi đã đọc được rất nhiều cá nhân chia sẻ kèm theo các cam kết về giảm nhựa dùng một lần của họ" - anh Hùng cho biết. Trong post của nhóm La bàn Sài Gòn đăng những bức ảnh của anh có khoảng 4 triệu lượt xem, hàng chục ngàn chia sẻ. Anh Hùng cho biết những bạn bè, anh chị em học viên chia sẻ với anh những thay đổi của họ, có nhiều người còn nói giật mình khi biết mình xả thải nhựa nhiều đến vậy. Nhiếp ảnh gia này cũng thổ lộ bản thân thật sự hạnh phúc khi nhận được những bức ảnh đẹp mà người dân gửi về từ chính những nơi anh từng đi qua vài tháng trước còn ngập ngụa túi ni-lông, chai nhựa, nay đã được dọn sạch. "Tôi biết rằng những cố gắng của mình không vô ích" - Hùng nói.
Một bạn trẻ vượt qua bãi biển đầy rác để mang đồ lên thuyền tại tỉnh Bình Thuận Ảnh: NGUYỄN VIỆT HÙNG
Nguyễn Việt Hùng được mời làm Đại sứ rác thải nhựa và cũng được coi như một đại sứ môi trường. Anh cho biết rất vui khi được mọi người nhìn nhận việc mình đã làm. Thông điệp mà Hùng đưa ra trong triển lãm cũng là cách để giảm thiểu rác thải nhựa: "Chỉ hành động mới làm nên thay đổi". Vì vậy, anh vẫn sẽ cố gắng làm bằng những hành động cụ thể trong khả năng chuyên môn của mình. Từ đầu năm đến nay, Lekima Hùng đã thực hiện 3 chuyến "săn" rác. Ngay ở thời điểm này, anh đã lên kế hoạch cho các chuyến đi tới những hòn đảo và vùng dân cư ven biển đến hết năm 2020.
Sắp tới, Nguyễn Việt Hùng sẽ cố gắng để thay đổi lối sống tối giản hơn. Hiện nay, vật bất ly thân của anh luôn là túi vải, chai nước trong cốp xe. Thậm chí, đồ tập thể thao của Lekima Hùng cũng được đựng trong bị cói, đôi khi anh chấp nhận nhịn đói hoặc về nhà ăn để không dùng đến cơm hộp xốp hay thìa nhựa. "Nhiều bạn bè cười khi không hiểu sao tôi có thể đựng đồ chơi thể thao vào cái bị to đùng bất tiện như vậy nhưng dần dần họ hiểu và hưởng ứng. Có những người bạn còn đùa rằng bây giờ đi đổ rác cũng nhớ tới tôi. Điều này làm tôi rất vui" - Lekima Hùng bộc bạch.
Gieo tình yêu thiên nhiên cho trẻ nhỏ
Ngoài thời gian đi "săn" rác, Nguyễn Việt Hùng còn dạy nhiếp ảnh cho trẻ em tại Học viện Nhiếp ảnh Ánh Sáng hay nhóm "Cho trẻ". Anh tổ chức nhiều chuyến đi về với thiên nhiên cho các bạn nhỏ đối diện với thực tế. "Các bạn nhỏ đều được hướng dẫn nhặt rác, hay mang các bình nước cá nhân. Cách dạy các bạn nhỏ hữu ích nhất chính là hành động bảo vệ môi trường cụ thể của người lớn, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút..." - nhiếp ảnh gia tâm sự. Anh cho biết rất xúc động khi đọc được những tâm sự của các bạn nhỏ cảm ơn mình vì đã truyền cảm hứng bảo vệ môi trường. Có em còn đề nghị mẹ không mua bóng bay nữa bởi nhựa có thể làm chết những con chim trên trời. "Đọc những tâm sự đó, tôi rất vui và đó cũng là nguồn động viên rất lớn để tôi tiếp tục theo đuổi những gì mình làm" - Nguyễn Việt Hùng nói.
Bình luận (0)