Ngày 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Tiết kiệm 20.000 tỉ đồng
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có tờ trình dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án sân bay Long Thành là hơn 23.000 tỉ đồng (trên 1 tỉ USD). Trong đó, 18.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỉ đồng xây dựng khu tái định cư. Ngoài ra, gần 480 tỉ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỉ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.
Theo tờ trình, nguồn vốn và cơ cấu vốn theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách trung ương gần 22.000 tỉ đồng, chiếm 95% tổng mức đầu tư. Trung ương cũng ứng hơn 1.100 tỉ đồng (chiếm 5%) còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách theo quy định.
Tại họp tổ của Đoàn Đại biểu (ĐB) QH Cần Thơ, Bình Thuận và Quảng Ninh, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính băn khoăn về nguồn vốn 23.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB thì nguồn vốn hiện nay mới dành 5.000 tỉ đồng, còn lại thiếu 18.000 tỉ đồng mà chưa thấy Bộ GTVT nêu rõ từ nguồn nào? Ông Chính nhấn mạnh: "Tiết kiệm là một giải pháp hữu hiệu và rất khả thi. Chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách nhà nước và dự kiến chi thường xuyên năm 2017 là gần 1 triệu tỉ đồng, nếu tiết kiệm chi chỉ 1% thì đã có gần 10.000 tỉ đồng".
Ông Chính phân tích chi thường xuyên chủ yếu tập trung vào chi lương và các khoản phụ cấp chiếm 62,8%, còn lại là chi hành chính. Ông Chính dẫn dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên còn được "hỗ trợ" bởi Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2021 tinh giản 10% biên chế, trong tổng số 4 triệu người ăn lương hiện nay. Ví dụ tính khả thi đề xuất khi TP Hà Nội trong 2 năm qua giảm chi tới 4.000 - 5.000 tỉ đồng. "Tôi đề nghị Chủ tịch QH cho nghiên cứu để trình QH quyết việc tiết kiệm và Chính phủ tiến hành thực hiện. Tiết kiệm 2 năm, mỗi năm chỉ cần 1% thì được 20.000 tỉ đồng, chứ không thấy có khoản nào để tính GPMB sân bay Long Thành. Làm dần tiết kiệm 5 năm thì được tới 50.000 tỉ đồng" - ông Chính nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính cho rằng tiết kiệm bằng cách giảm chi thường xuyên để có nguồn vốn giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành Ảnh: TTXVN
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị dùng nguồn vốn dành cho công trình khác trong nhóm công trình trọng điểm quốc gia để GPMB sân bay Long Thành.
Lo bị lợi dụng
ĐBQH Kon Tum, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị QH chỉ nên thống nhất về mặt chủ trương, còn triển khai nên giao cho Chính phủ. ĐB Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang, cho rằng từ thực tế GPMB dự án ở địa phương, toàn mua đi bán lại đất, cuối cùng chỉ toàn là đất của cán bộ và tình trạng này sẽ xảy ra tương tự ở dự án sân bay Long Thành. "Tôi sợ ở Long Thành, cán bộ các cấp mua nhà, còn người trực tiếp sản xuất thì không phải là chủ đất. Đề nghị làm rõ nội hàm hộ trực tiếp sản xuất với chủ đất để tránh vướng mắc sau này" - ông Vinh đề xuất.
ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nhấn mạnh cần phải xác định rõ, số tiền nào dành để phục vụ cho người dân tái định cư, số tiền nào để phát triển và dùng cho các mục đích khác của tỉnh. "Nguồn tiền phải minh bạch, không thể dùng tiền của dự án Long Thành để làm khu tái định cư cho những mục đích khác. Đây là điều không hợp lý"- ông Tùng mổ xẻ.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng phải nói rõ về sự cần thiết, cấp bách của việc giải tỏa lô đất này, có thể tốn tới 4.000 tỉ đồng để giải toả. Trừ những công trình quân sự quá bí mật, còn lại các công trình quân sự thông thường thì cần có sự giải trình, ít nhất là tại QH. Ông Nghĩa nêu tình trạng đất quốc phòng ở TP HCM có hiện tượng cho tư nhân thuê xây biệt thự, căn hộ cho thuê 50 năm hay sân golf. Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có thể vào thuê đất tới 15 - 20 năm.
Phó Đoàn ĐBQH TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê lưu ý hiện giá đất khu vực này đang bị "thổi" lên, giá đất là ảo và hiện trạng sân bay Tân Sơn Nhất là kinh nghiệm thực tiễn. Cử tri trong 3 ngày qua liên tục điện thoại cho ông bày tỏ sự quan tâm về dự án sân bay Long Thành và bức xúc việc "chưa xử lý rõ vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, nếu thu hồi để mở rộng sân bay thì bồi thường ra sao?".
Ông Khuê cho hay trong bối cảnh sân bay Long Thành đến 2025 mới hoàn thành giai đoạn một, cử tri đề nghị Đoàn ĐBQH TP HCM tiếp tục đề đạt với các cấp có thẩm quyền xúc tiến giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Còn ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP HCM) lưu tâm việc người dân do thiếu thông tin, hiểu biết, đã "bán lúa non" đất. Ngoài ra, phải đền bù đúng đối tượng, tránh bền bù cho đối tượng đầu cơ đất. "Cần phân định danh sách người dân tại chỗ, người dân từ nơi khác tới định cư tại đây để đền bù" - ông Lộc góp ý.
Tái định cư bằng "biệt thự"
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn việc tái định cư cho hộ dân tới 250 - 350 m2. "Dân được đền bù 300 triệu đồng mà suất đất tối thiểu 500 triệu đồng thì hộ nghèo lấy đâu ra 200 triệu đồng nữa? Cái này nhà nước phải tính, chứ không thể để dân ra đường được".
ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nhấn mạnh: "Nhà tái định cư có diện tích lớn thì là biệt thự rồi". Trong khi đó, báo cáo cho rằng hơn 90% người dân tại khu vực đất được đền bù đang ở nhà cấp 4, tức không thuộc diện khá giả, làm sao họ mua được những nhà như thế.
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bày tỏ lo lắng: "QH cần lưu ý về cơ chế chính sách bồi thường tái định cư khi mà cơ quan thẩm tra Ủy ban Kinh tế nói báo cáo của Chính phủ đưa ra cơ chế hỗ trợ về đất và tái định cư không phù hợp với Luật Đất đai thì rất khó thực hiện". Cũng theo bà Hương, tiền đền bù thậm chí không đủ tiền mua đất, nhà nước phải hỗ trợ thêm nhưng dự án chưa nêu rõ.
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương cũng tỏ ra bất an về tiến độ dự án khi tháng 12-2018 người dân có thể bắt đầu xây dựng nhà tái định cư nhưng tháng 10-2019 mới hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, xã hội thì làm sao người dân sống được?
Trấn an các ĐBQH, ĐB Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) cho biết tỉnh đã có kinh nghiệm triển khai GPMB nhiều khu công nghiệp lớn. "ĐB lo ngại thế là vì thời gian tiếp cận hồ sơ rất ngắn, đầu giờ sáng nay mới đặt lên bàn ĐB" - ĐB Lê Hồng Tịnh nói.
Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỉ đồng và tổng diện tích hơn 5.500 ha, trong đó có 1.050 ha là đất quốc phòng. Đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng gần 3.000 ha, có khoảng hơn 4.700 hộ dân với 15.500 nhân khẩu bị thu hồi đất. Qua khảo sát, xin ý kiến người dân bị thu hồi đất, 100% có nhu cầu nhận đất tái định cư.
Bao giờ bộ máy mới cắt giảm?
Chiều 27-10, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), ĐB Phạm Minh Chính (Quảng Ninh), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, đã bấm nút xin tranh luận liên quan đến quy định về tổ chức bộ máy lực lượng kiểm ngư.
Theo ông Chính, một trong những nguyên nhân tăng tổ chức, bộ máy ngày càng phình to là do các luật chuyên ngành cũng quy định tổ chức bộ máy. Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII mới ban hành, quy định nguyên tắc một việc chỉ giao cho một người, một việc chỉ giao một cơ quan.
"Tôi chưa thấy rõ, bây giờ thành lập lực lượng kiểm ngư, thì kiểm ngư của trung ương, kiểm ngư của địa phương do ai quản lý. Phải làm rõ ra. Chứ một việc mà mấy cơ quan làm thế này, bộ máy càng ngày càng phình to ra" - ông Chính bày tỏ và nói rõ khi đã thành lập rồi thì phải có cơ chế vận hành; phải có bộ máy, con người. Có con người phải có cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí để hoạt động. Cứ như này mãi thì bao giờ bộ máy mới cắt giảm được. V.Duẩn
Bình luận (0)