Già Sâu cầm theo tay lưới nhỏ, còn con ông là anh Hồ Chang mang theo nỏ bắn mũi tên sắt và kính lặn. Mất nửa giờ men theo lối mòn xuyên rừng nguyên sinh, chúng tôi chạm thượng nguồn suối A Tang với vô số thác nước, vũng sâu hoắm. Đây là nơi trú ngụ lý tưởng cho loài cá mát.
Trưa, nắng xuyên tán rừng, rọi xuống những con thác. Cá mát từ trong hang đá bơi từng đàn ra ăn rong rêu. Nắng rọi đến đâu, chúng bơi theo đó. Sau khi nhắm kỹ vị trí thả lưới, già Sâu cởi áo nhảy ùm xuống nước. Tuổi gần 60 mà sải tay ông còn vững lắm. Chưa đầy mươi phút, tay lưới dài chừng 20 m đã được thả xong, sát bờ, chặn cửa những hang đá mà ông biết có cá mát trốn bên trong.
Đánh bắt cá mát ở thượng nguồn suối A Tang
Già Sâu nói cá mát rất khôn, thấy động là bơi ngay vào hang để trốn, khi cảm thấy thật sự an toàn mới bơi ra ngoài. Vì thế, sau khi "dàn trận" bằng lưới, ông đốn cây nứa dài để đuổi cá ra khỏi hang. Hang sâu thì phải lặn xuống, dùng cây để xua. Cá hoảng sợ, bơi ra khỏi hang thì gặp lưới, mắc ngay.
Trong khi cha bắt cá bằng lưới thì anh Chang đeo kính lặn, luồn vào từng hang đá để tìm cá mát. "Cá mát vào hang đá thì thường đứng yên một chỗ, rất dễ bắn. Mỗi ngày, người bắn nỏ quen sẽ kiếm được vài ký cá mát" - anh Chang khẳng định.
Hôm đó, cha con già Sâu săn được hơn 1 kg cá mát. Theo già Sâu, ở đây cá mát còn nhiều là bởi bà con không dùng xung điện, chất nổ để đánh bắt. Hơn nữa, người dân mỗi lần xuống suối chỉ bắt đủ cho bữa ăn, bắt con to chứ không bắt theo kiểu "thượng vàng hạ cám".
Trên đường về bản, anh Chang hái thêm một nắm lá cây mọc rất nhiều ở suối A Tang. Anh bảo lá chua rất hợp cá mát, đem nấu canh lấp xấp nước, ăn rất ngon. Không nấu canh chua thì nướng, hấp hành, kho lạt. Cá mát nướng sơ rồi treo gác bếp. Sau đó, giã nát cá cùng muối, ớt khô, riềng, hạt tiêu sẽ tạo nên món chấm rất độc đáo. Người dân ở đây gọi đó là cheo. Cheo cá mát thường được dùng để chấm với cơm, xôi, thịt, rau rừng và thường được đem biếu, tặng khách phương xa.
Bình luận (0)