Cận Tết, tôi theo chân anh Hồ Văn Lữ (48 tuổi, ngụ tại xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị) đi đặt bẫy bắt chuột núi. Anh Lữ dường như là người cuối cùng ở vùng núi non này thông thạo những ngón bẫy độc đáo mà cha ông ngày xưa để lại.
Trên lối mòn dẫn vào rừng, anh Lữ "giới thiệu" ngay về chuột núi- chủ đích của cuộc săn. Rằng, nó thích sống dọc khe suối, nơi có nhiều tre nứa ken dày. Rồi, trọng lượng mỗi con chuột núi nặng từ vài gam đến cả kilogam. Và chúng có thể làm tổ trong hang, thân cây hoặc xây tổ ngay trên bụi cây rậm.
Cận cảnh chuột núi
Người săn chuột núi thạo nghề bằng nhãn quan của mình sẽ biết được nơi có chuột núi sinh sống. Mà dấu hiệu nhận biết đôi khi chỉ là dấu chân, mẫu phân hay thậm chí là sự hiện diện của loài thảo quả mà loài này thích gặm nhấm.
"Phải thật tập trung chú ý đến từng gốc cây, mô đất mới biết được nơi có chuột núi sinh sống. Như chú em, đi mà cứ ngoái nhìn đường đã đi, dốc chưa đến và chai nước không thôi thì chẳng "thấy" chi đâu"- anh Lữ "cà khịa" khi thấy tôi hổn hển thở, có thể bỏ cuộc săn.
Chúng tôi băng rừng gần một giờ đồng hồ mới đến nơi anh Lữ đặt bẫy chuột. Đó là một ngọn đồi thoải dốc với nhiều tre nứa, chuối rừng mọc dại. Dọc theo ngọn đồi này có con suối bốn mùa nước róc rách chảy. "Nơi này nhiều chuột núi sinh sống lắm. Vì thế, tại khu vực này, cứ 100 m tôi lại đặt một cái bẫy chuột núi. Hầu hết tôi dùng bẫy chuột theo kiểu đời xưa để lại và một ít bẫy bán nguyệt thời nay"- anh Lữ cho hay.
Một loại bẫy chuột núi đời xưa để lại không dùng đến sắt, thép buộc
Theo anh Lữ, bẫy chuột đời xưa để lại có nhiều loại với tên gọi như A-xin, Ka-lo, Vếc, A-tăng và bẫy chuồng. Tuy nhiên đến nay, các loại bẫy này rất ít được sử dụng vì mất nhiều thời gian, công sức để làm. Thay vào đó, người bẫy chuột núi (hay chuột nhà) ngày nay chỉ dùng bẫy bán nguyệt, bẫy lồng giá từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn mỗi cái. Loại bẫy này bán rất nhiều trong các quán xá nơi rẻo cao này.
Anh Lữ cho hay, cái độc đáo của các loại bẫy chuột núi đời xưa để lại là dùng nguyên liệu tre nứa, cây, dây rừng để tạo nên. Cả 5 loại bẫy này đều không sử dụng đến sắt, thép buộc hay một loại kim khí nào. Nguyên liệu để làm bẫy thì luôn sẵn có trong rừng, người đi săn chỉ cần mang theo một cây rựa hoặc dao nhọn là đủ.
Một con chuột núi dính bẫy bán nguyệt
"Người săn chuột núi thường đặt bẫy vào lúc gần xế chiều và thu bẫy lúc trời mới sáng tỏ. Mồi nhử chúng thường là củ sắn, khoai thái thành từng lát nhỏ. Mỗi tuần người đi săn sẽ thay đổi khu vực đặt bẫy một lần. Trong bốn mùa thì mùa đông nhiều chuột núi dính bẫy nhất, bởi mùa này chúng thường thiếu thức ăn"- anh Lữ giảng giải.
Chuột núi sau khi dính bẫy, được người dân vùng sơn cước này chế biến thành nhiều món ăn. Trong đó, phải kể đến các món ăn trứ danh như chuột như núi gác bếp, nướng than hồng, nướng trong ống tre, hoong riềng…
Khu vực tập trung tre nứa, suối cạn thường có nhiều chuột núi sinh sống
Thoạt tiên, chuột núi sẽ được thui trên lửa để xử lý lớp lông mịn. Sau khi thui xong, dùng lá chanh chùi lên da chuột núi để khử mùi. Tiếp đó, dùng dao nhọn mổ bụng, tách lấy lớp màng bó hệ thống ruột vứt bỏ. Tuyệt nhiên, các công đoạn trên đều không chạm đến một giọt nước nào.
Clip: Săn chuột núi
Thịt chuột núi theo anh Lữ sau khi chế biến thành các món trên thì "ngon hết sẩy vì dai, ngọt, xương giòn, ăn một lần là nhớ mãi". Mà không phải ai cũng được thưởng thức các món ăn trứ danh này. Anh Lữ bảo, chỉ khách quý đến nhà mới mang thịt chuột núi ra mời, đãi khách mà thôi.
-
Bình luận (0)