Ngày 9-4, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam thông báo lô vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em đầu tiên do Úc viện trợ với 921.600 liều đã về đến nước ta vào tối 8-4. Dự kiến, tổng cộng hơn 7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của Moderna do Úc viện trợ sẽ về đến Việt Nam trong tháng 4 này. Theo đó, lô thứ 2 với khoảng hơn 2 triệu liều dự kiến về ngày 13-4 và lô thứ 3 với hơn 4 triệu liều dự kiến về trước ngày 18-4.
Tiêm cuốn chiếu theo trường, địa bàn
Bộ Y tế cho biết sau khi hoàn thành kiểm định vắc-xin, việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến sẽ được triển khai ngay vào cuối tuần tới. Với các nguồn vắc-xin phòng Covid-19 viện trợ và mua, việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.
Theo kế hoạch của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong chiến dịch này, các địa phương tổ chức tiêm cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc-xin được cung ứng. Trẻ được tiêm miễn phí tại các cơ sở cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Trẻ lớp 6 được tiêm trước, sau đó sẽ tiếp tục tiêm cho trẻ lứa tuổi nhỏ hơn.
Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022. Trước đó, trẻ từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc-xin. Trong ảnh: Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường Tiểu học - THCS và THPT Trương Vĩnh Ký (TP HCM) hồi tháng 10-2021. Ảnh: TẤN THẠNH
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, cho biết trong chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Việt Nam sử dụng 2 loại vắc-xin là Pfizer và Moderna. Cụ thể, Bộ Y tế cho phép sử dụng vắc-xin Moderna cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi, vắc-xin Pfizer dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó, vắc-xin Pfizer sử dụng cho nhóm trẻ này có hàm lượng 10 mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều của người từ 12 tuổi trở lên; lịch tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần. Với vắc-xin Moderna, liều tiêm bằng 1/2 liều của người lớn (tương đương 0,25 ml), 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Tại TP HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), cho biết HCDC đã tổ chức các lớp tập huấn dành cho các đội tiêm, trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời, ôn tập kiến thức đã có, cung cấp và cập nhật thêm nội dung mới cho học viên nhằm chuẩn bị trước việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi một cách an toàn nhất. Trong đợt tập huấn, học viên được hướng dẫn khám sàng lọc; hướng dẫn theo dõi, xử trí sốc phản vệ sau tiêm; cách xử trí cấp cứu tại điểm tiêm chủng; quy trình chuyển tuyến đối với trẻ có chỉ định tiêm tại bệnh viện và chuyển viện khi có phản ứng sau tiêm.
Sở Y tế TP HCM đã đề nghị 3 bệnh viện nhi trên địa bàn cử các bác sĩ, chuyên gia cùng Trung tâm Cấp cứu 115 phối hợp xử lý các trường hợp trẻ gặp sự cố trong quá trình tiêm. Dự kiến, TP HCM sẽ triển khai tiêm 2 mũi cho trẻ, mỗi mũi tiêm trong vòng 30 ngày.
Không tiêm trộn vắc-xin cho trẻ
Bộ Y tế khuyến cáo với vắc-xin Pfizer, trẻ có thể gặp phản ứng thông thường như đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, ớn lạnh, sốt, buồn nôn… Phản ứng ít gặp hơn gồm nổi hạch, phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch, giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, suy nhược... Phản ứng gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim rất hiếm gặp (thấp hơn 1/10.000). Với vắc-xin Moderna, trẻ có thể gặp một số phản ứng thông thường như: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, đau sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt...
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, chỉ có 0,5%-10% số trẻ được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường. Nếu so sánh với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của nhà sản xuất, phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam nhẹ hơn so với số liệu đã ghi nhận.
"Trong hơn 17 triệu mũi đã tiêm, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương ghi nhận 5 trường hợp trên 1 triệu liều vắc-xin có phản ứng nặng, phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị" - PGS-TS Dương Thị Hồng dẫn chứng.
BS chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó trưởng Khoa Sức khỏe trẻ em - Phòng khám chất lượng cao Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), lưu ý theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ có phản ứng phản vệ với vắc-xin hoặc bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin được chỉ định không tiêm. Các trường hợp trẻ có bệnh nền mạn tính, bẩm sinh sẽ được chuyển đến tiêm tại các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện chuyên khoa nhi.
"Sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút. Với những trường hợp thận trọng, bác sĩ có thể chỉ định cho theo dõi kéo dài hơn. Bộ Y tế khuyến cáo trẻ phải được theo dõi suốt 30 ngày và theo dõi sát toàn trạng ít nhất 3 ngày đầu" - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo không tiêm trộn vắc-xin Pfizer và Moderna cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mà chỉ dùng một loại cho cả 2 mũi. Tức là trẻ đã tiêm mũi 1 vắc-xin Pfizer thì mũi 2 cũng là Pfizer, với Moderna cũng vậy.
Chỉ tiêm khi có sự đồng thuận
Phó Giám đốc điều hành HCDC Nguyễn Hồng Tâm khẳng định việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là không bắt buộc, phải có sự đồng thuận của gia đình. Nếu gia đình không đồng ý cho trẻ tiêm, về nguyên tắc, trẻ vẫn đến trường học bình thường. "Ngành y tế, ngành giáo dục và các địa phương cố gắng thuyết phục phụ huynh đồng thuận cho trẻ tiêm vắc-xin là điều tốt nhất" - ông Tâm nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, không riêng vắc-xin phòng Covid-19, trước đây, nhiều phụ huynh cũng lo lắng với vắc-xin ngừa bệnh sởi - quai bị - Rubella, ngừa ung thư cổ tử cung... Tuy nhiên, theo thời gian, các loại vắc-xin này đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả bảo vệ rõ rệt.
TP HCM: Hơn 77% phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin cho trẻ
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, tính đến ngày 7-4, có 77,58% phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó, tỉ lệ đồng thuận cao nhất ở nhóm phụ huynh có con học lớp 6 với 88,32%.
Thống kê của UBND TP HCM cho thấy dự kiến số trẻ trong độ tuổi cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại thành phố là 898.537, trong đó có 885.730 trẻ đi học, 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Đ.Trinh
Bình luận (0)