Chỉ 3 ngày sau khi PGS-TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP HCM - viết tâm thư kêu gọi chung tay chống dịch tại TP HCM, đã có hàng ngàn người tình nguyện đăng ký tham gia.
Luôn sẵn sàng khi đất nước cần
Trước đó, đến chiều 25-7, hơn 1.300 người đã đăng ký tham gia hỗ trợ TP HCM chống dịch theo kêu gọi của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Trong đó, lực lượng bác sĩ (BS) 300 người; dược sĩ hơn 200 người; các ngành nghề khác hơn 700 người. Độ tuổi tham gia tình nguyện viên rất phong phú: Dưới 20 tuổi là 47 người; từ 20-50 tuổi là 1.197 người; trên 50 tuổi là 94 người. Riêng trong ngày 26-7, tiếp tục có nhiều người đăng ký tham gia.
Trong số những người tình nguyện tham gia có khá nhiều BS đã nghỉ hưu. Điển hình là BS Tô Vũ Thanh Hà (54 tuổi, quận Phú Nhuận), công tác Quân y trong sư đoàn không quân 370 tại sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM. BS Hà nghỉ hưu ở tuổi 51 sau 33 năm công tác chuyên môn. BS Thanh Hà chia sẻ bà rất hạnh phúc, tự hào khi được tiếp tục cống hiến, sẵn sàng tham gia bất cứ chương trình nào khi Tổ quốc cần. "Bây giờ hơn lúc nào hết, đất nước cần, TP HCM đang cần mọi người chung tay phòng chống dịch. Với lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, nếu giúp được thì sẵn sàng" - BS Hà bộc bạch.
BS Lục Thị Hồng Thu (52 tuổi, ngụ quận 8) tốt nghiệp đại học chuyên ngành sản khoa cách nay 26 năm, công tác tại Bệnh viện quận 8 - TP HCM đến lúc nghỉ hưu. Hiện bà công tác ở phòng khám tư nhân. Đề cập việc tham gia theo lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, BS Thu cho biết rất sẵn lòng và mong muốn được tiêm vắc-xin để an tâm vào "cuộc chiến". Bác sĩ Thu bày tỏ: "Ngành y tế cần thì mình lên đường, là việc nên làm, không suy nghĩ nhiều".
Trong số các BS chúng tôi liên hệ, đặc biệt nhất là vị nữ BS nhi khoa Phan Hồng Anh (71 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). BS Hồng Anh công tác chuyên về nội khoa hồi còn trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TP HCM từ ngày mới thành lập. Sau đó, bà chuyển qua một số lĩnh vực khác rồi đi giảng dạy, khám từ thiện, hiến máu nhân đạo… Chia sẻ về việc đăng ký tham gia theo lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế, BS Hồng Anh khiêm tốn: "Còn sức khỏe là còn chăm sóc người bệnh. Thấy anh chị em đồng nghiệp vất vả, bệnh nhân đang rất cần BS nên tôi đăng ký tham gia ngay. Mình chỉ góp chút sức nhỏ đỡ tay đỡ chân cho họ phần nào".
BS Hồng Anh không nén được cảm xúc khi đề cập cảnh trẻ nhỏ mắc Covid-19. "Mình đau mình chịu được chứ trẻ nhỏ thì thấy thương lắm. Nhất là trong khu cách ly, các cháu không có người thân chăm sóc. Tôi muốn đến vỗ về, chăm sóc thay cho cha mẹ, gia đình các cháu" - BS Hồng Anh trải lòng.
Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM dồn hết tâm lực để cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Giảm tải cho ngành y tế rất nhiều
Nói về sự cần thiết phải chi viện nhân lực cho TP HCM chống dịch, TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, cho rằng một cơ sở y tế điều trị Covid-19 sẽ đòi hỏi về nhân lực cao hơn so với một cơ sở điều trị thông thường. Đó là nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ liên tục trong thời gian dài, rất vất vả, khối lượng công việc nhiều, áp lực rất lớn. Ngoài ra, công việc chăm sóc bệnh nhân cũng dồn hết cho đội ngũ y - bác sĩ, sức khỏe vượt quá chịu đựng so với làm việc trong môi trường thông thường. "Là một bệnh viện thuộc tầng 4 trên "tháp 5 tầng" của Bộ Y tế, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nặng vì Covid-19 lẫn bệnh nền. Tính riêng số bệnh nhân từ mức độ phải thở ôxy cho đến thở máy hiện nay của bệnh viện là 189 người. Điều trị bệnh nhân nặng tiêu hao nhân lực cao hơn nhiều so với các ca bệnh nhẹ và trung bình" - TS-BS Lê Thanh Chiến nói.
Còn theo TS-BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, hiện tại nhân lực tại đây đang phải chia ra nhiều nhiệm vụ. Không chỉ chia bệnh viện thành 2 nửa là Bệnh viện Từ Dũ bình thường và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Từ Dũ, rất nhiều nhân sự của bệnh viện cũng được cử đi làm nhiệm vụ ở các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 và 7. Điều này cộng với số ca bệnh Covid-19 đang tăng dần, cùng số ca nặng cũng tăng, tạo nên áp lực lớn cho khối điều trị.
Lãnh đạo một bệnh viện khác trên địa bàn TP HCM chia sẻ thêm ngay cả trong các bệnh viện điều trị Covid-19 hiện nay, ở nhiều nơi, nhân viên y tế đang quán xuyến luôn các công đoạn như phân phát suất ăn, điều phối xe, vận chuyển các thiết bị y tế... Vì thế, nếu có thể huy động được nguồn lực từ các ngành nghề khác ngay trên địa bàn TP HCM, ví dụ như các ngành nghề đang phải tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách, thì sẽ giúp giảm tải cho ngành y tế rất nhiều.
Tiếp tục vì TP HCM, các tỉnh phía Nam
Trong khi đó, Bộ Y tế vừa có lời "hiệu triệu" lần thứ 2, huy động nhân lực y tế cho TP HCM và các tỉnh miền Nam đang bùng phát dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế đã gửi công văn tới 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cử nhân viên y tế hỗ trợ chống dịch tại TP HCM. Tổng số nhân lực y tế bộ cần huy động lần này lên đến 10.000 người. Bộ cũng yêu cầu các BV cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật trong phòng chống dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 cho các cán bộ được cử đi hỗ trợ.
Trước đó, Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của trung ương và địa phương chi viện cho TP HCM và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng.
Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thành lập cũng vừa có thông báo tuyển 2.500 tư vấn viên có chuyên môn y tế để làm nhiệm vụ tư vấn từ xa cho bệnh nhân Covid-19, người có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2.
Bác sĩ Lê Tuấn Thành - Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, phụ trách mạng lưới - cho biết mạng lưới đặc biệt chú trọng đến những bệnh nhân Covid-19 cần hỗ trợ khẩn cấp, cùng các trường hợp chưa kịp xác định được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải). Bên cạnh đó là trường hợp F0 có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân Covid-19.
Theo BS Thành, việc huy động nhân sự này nhằm tiếp sức, giảm tải cho đồng nghiệp đang quá tải tại TP HCM và các tỉnh, thành khác đang có dịch.
Thêm 2.006 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh
Bộ Y tế cho biết trong ngày 26-7, nước ta ghi nhận thêm 7.882 ca mắc Covid-19, trong đó có 23 ca nhập cảnh và 7.859 ca trong nước. Trong ngày, có thêm 2.006 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 21.344 ca. Số tử vong đến thời điểm này là 524 trường hợp.
. Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung hơn 1.553 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Quốc phòng để phòng chống dịch Covid-19. Số kinh phí trên là để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao (tiếp nhận công dân cách ly y tế tập trung; kiểm soát, ngăn chặn người nhập cảnh trên toàn tuyến biên giới; xét nghiệm, phòng, chống dịch tại các địa phương…); chi trả các chế độ theo nghị quyết của Chính phủ.
N.Dung - T. Dũng
Bình luận (0)