Chiều 2-8, báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ (do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, làm trưởng đoàn) đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho hay mọi công tác đã được chuẩn bị chu đáo; việc theo dõi, ứng trực thực hiện 24/24 giờ từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Sau bão có thể mưa lớn
Toàn tỉnh Quảng Ninh đã di chuyển 16.132 ngư dân trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản về vị trí an toàn để tránh trú. Tỉnh cũng đã huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 2.000 dân quân tự vệ, trên 5.000 lượt người dân, 545 lượt phương tiện xe máy, 129 lượt tàu, xuồng sẵn sàng tham gia ứng cứu sự cố.
Tính đến chiều 2-8, toàn bộ 8.460 tàu, thuyền đã nhận được thông tin về hướng di chuyển của bão và trở về nơi tránh trú an toàn. Về du lịch trên các đảo, hiện còn 311 khách nhu cầu ở lại, trong đó có 4 khách nước ngoài. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án ăn, nghỉ và bảo đảm an toàn cho du khách.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng giúp dân chống bão
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý bão di chuyển chậm, là cơn bão mạnh, mức độ tàn phá khi đi qua sẽ rất lớn, do đó không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh công tác chuẩn bị phòng chống, cần cập nhật thường xuyên tình hình, diễn biến của bão; chuẩn bị kỹ phương châm "4 tại chỗ"; chủ động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực ứng phó nhanh, kịp thời; bảo đảm phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết.
Đặc biệt, sau bão sẽ là ảnh hưởng từ hoàn lưu, gây mưa lớn. Do vậy, theo Phó Thủ tướng, tỉnh cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở, thực hiện giám sát các tàu, thuyền đã về nơi tránh trú an toàn, không để ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa bảo đảm; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hồ, đập trên địa bàn... Bên cạnh đó, cần quan tâm, có phương án bảo đảm an toàn cho du khách, người dân các khu vực du lịch, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; quan tâm đến đời sống bà con ngư dân... Đối với các mỏ khai thác trên địa bàn, cần có phương án cụ thể để phòng chống mưa bão, ngập lụt, sạt lở hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho người dân.
Sẵn sàng tìm kiếm, cứu nạn
Tại Hải Phòng, công tác ứng trực phòng chống bão được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chủ động triển khai tích cực theo đúng phương châm "4 tại chỗ".
Hiện không còn phương tiện hoạt động trên biển, 3.344 phương tiện/14.172 lao động đã neo đậu tại bến. Trong đó, có 2.460 phương tiện/7.584 lao động địa phương và 738 phương tiện/4.663 lao động của các địa phương khác...
Tàu thuyền trú đậu an toàn tại đảo Bạch Long Vỹ
Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch; hiệp đồng với các đơn vị, sẵn sàng tham gia lực lượng, phương tiện (hơn 9.700 người và 152 phương tiện) phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.
Huyện Cát Hải thông báo, kêu gọi 1.122 phương tiện/2.383 lao động di chuyển vào nơi tránh trú; di dời 30/30 bè thu mua thủy sản và nhà nổi tại vị trí xung yếu khu vực vịnh Cát Bà đến nơi an toàn; kiểm tra, rà soát vị trí đê, kè, cống xung yếu. Huyện cũng đã thông báo, tổ chức di chuyển 550 khách du lịch vào đất liền. Quận Đồ Sơn cũng cho biết đã tổ chức kiểm đếm, thông báo kêu gọi 192 phương tiện/742 lao động, 24 chòi/13 lao động về nơi neo đậu.
Bình luận (0)