Sau 7 tháng kể từ thời điểm công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 1.016 ca bệnh. Trong giai đoạn 2, dù số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh chóng nhưng đến thời điểm này, dịch đã được kiểm soát.
Bảy tháng nỗ lực kìm chân Covid-19
Ngày 23-1, Việt Nam công bố những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên là 2 cha con quốc tịch Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Thời điểm đó, Trung Quốc ghi nhận gần 600 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 17 người tử vong. Ngoài Trung Quốc, một số nước, vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Đài Loan, Macau, Hồng Kông (Trung Quốc); Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Ấn Độ.
Đến nay, sau 7 tháng, thế giới đã ghi nhận hơn 23 triệu người mắc, 807.619 người tử vong ở 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, dịch đã ghi nhận tại 40 tỉnh/thành phố với 1.016 ca mắc Covid-19, trong đó 672 ca lây nhiễm trong nước, số còn lại được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Từ ngày 25-7, sau 99 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Việt Nam bước vào giai đoạn mới của dịch với số ca mắc tăng nhanh chóng.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân Đà Nẵng Ảnh: HẢI ANH
GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay, ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung khác cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, thời gian qua, mặc dù đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị ở khu vực Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã nỗ lực hết sức cùng với sự góp sức của các chuyên gia tinh nhuệ từ Bộ Y tế song vẫn có 27 trường hợp mắc Covid-19 tử vong. Đa phần các bệnh nhân tử vong đều có bệnh lý nền nặng như ung thư máu, chạy thận nhân tạo nhiều năm, bị bệnh tim mạch mạn tính…
Có khoảng 150 ổ dịch
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 nhận định diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục tăng nhanh, chưa có dấu hiệu chững lại. Việc một số nước tuyên bố sản xuất thành công vắc-xin là tín hiệu tích cực ban đầu nhưng chưa thể giúp thế giới đẩy lùi ngay được đại dịch trong một sớm một chiều.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định thời gian tới có thể xuất hiện các chùm ca bệnh và ca bệnh tại cộng đồng, do đó các địa phương phải nâng cảnh giác ở mức cao nhất để phát hiện sớm và kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Khi xảy ra dịch ở các địa phương khác cũng sẽ nguy hiểm không kém như Đà Nẵng nên phải rà soát lại tất cả kịch bản ứng phó phòng chống dịch trên nhiều cấp độ.
Ông Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó chủ động, tránh trường hợp một loạt bệnh viện bị phong tỏa thì sẽ khó khăn trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân cần cấp cứu. "Các cơ sở y tế phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong tỏa; có nhiều bệnh nhân và nhiều cán bộ y tế dương tính với SARS-CoV-2. Lần này, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, do đó phải nâng cao cảnh giác. Từng gia đình có thể trở thành ổ dịch, lần trước chỉ khoảng 40 ổ dịch, lần này đã lan ra khoảng 150 ổ dịch" - ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Các chuyên gia y tế cho rằng bài học tiếp theo của đợt chống dịch lần này là phải phản ứng mạnh mẽ, thần tốc để truy tìm, cách ly thật nhanh, đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Việt Nam vẫn kiên định nguyên tắc "chống dịch như chống giặc", "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất, không để bất cứ người dân nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19.
Chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ, bàn giải pháp phòng chống Covid-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến trường kỳ. Chừng nào chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin, chúng ta phải chung sống với dịch bệnh. Cần có văn hóa ứng xử trong bối cảnh có dịch, đặc biệt là văn hóa đeo khẩu trang trong trường học, bệnh viện, trên phương tiện công cộng, ở nơi đông người.
TP HCM: Dừng thăm hỏi người bệnh tại bệnh viện
Sở Y tế TP HCM vừa có công văn khẩn đề nghị các bệnh viện trên địa bàn khẩn trương triển khai biện pháp an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất lây nhiễm dịch bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng. Cụ thể, các đơn vị thực hiện sàng lọc, khai thác kỹ các yếu tố dịch tễ, triệu chứng, không phân biệt bất kỳ ai khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc mỗi ngày, sàng lọc nhiều cấp. Chuyển ngay người bệnh vào khu cách ly hoặc phòng cách ly tạm nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan; dừng việc thăm hỏi người bệnh tại bệnh viện.
Ng.Thạnh
Bình luận (0)