Đến tháng 9-2019, nếu không có biện pháp hữu hiệu, bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) sẽ hết chỗ chứa. Chính quyền TP Đà Nẵng đang khẩn trương tìm giải pháp để giải quyết bài toán rác thải ô nhiễm kéo dài này.
Điểm nóng ô nhiễm
Bãi rác Khánh Sơn nhiều năm nay là điểm nóng về ô nhiễm ở TP Đà Nẵng. Người dân sống quanh bãi rác chịu không nổi mùi hôi thối nên đã hàng chục lần chặn các xe tải chở rác khiến rác bị ùn ứ. Đây cũng là vấn đề nóng được đề cập nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri và các kỳ họp HĐND.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng hôm 26-6, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng, cho hay hiện tại, bãi rác Khánh Sơn đang chứa 3,2 triệu tấn rác. Bình quân một ngày, toàn TP có 1.100 tấn rác, chưa tính rác thải y tế, công nghiệp.
Đà Nẵng đã đưa ra giải pháp xây dựng bãi rác Khánh Sơn thành Khu Liên hợp xử lý rác thải với công nghệ hiện đại, đồng thời di dời các hộ dân trong phạm vi ô nhiễm. Trong đó, cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy rác theo công nghệ đốt với công suất 650 tấn/ngày đêm.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng ban hành Công văn cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, đổi mới công nghệ để xử lý rác sinh hoạt tại Đà Nẵng. Công ty CP Môi trường Việt Nam đã ký hợp đồng liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hồng Kông) góp vốn đầu tư công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến tại bãi rác Khánh Sơn.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, công suất xử lý rác 650 tấn/ngày, nhà máy này sẽ biến rác thải thành năng lượng, đáp ứng các thông số khí thải và khói thải đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu. Nếu kế hoạch được thực hiện, nhà máy sẽ khởi công vào cuối năm 2019, dự kiến bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2021.
Người dân Khánh Sơn trực tiếp tham quan Nhà máy điện rác ở Cần Thơ (ảnh trên) và bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng
Biến rác thành điện để bán
Hôm 27-6, Sở TN-MT TP Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Liên Chiểu tổ chức cho gần 40 người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn và cán bộ phường Hòa Khánh Nam, đại biểu HĐND quận Liên Chiểu đi thăm Nhà máy điện rác Cần Thơ.
Chuyến thực tế nhằm cung cấp thông tin khách quan, đầy đủ về công nghệ điện rác và chứng kiến quy trình hoạt động khép kín của nhà máy. Đại diện Nhà máy điện rác Cần Thơ cho hay công nghệ đốt rác phát điện do Tập đoàn EverBright International phát triển. Nhà máy điện rác Cần Thơ hiện đang xử lý 400 tấn rác/ngày. Theo quy trình, toàn bộ nguồn rác thải sinh hoạt không phân loại của tỉnh Cần Thơ sẽ được đưa vào hố rác cao 27,5 m; dài 26,6 m; rộng 24 m (tổng dung tích 6.200 m3) và lưu lại từ 5-7 ngày để tách nước rỉ rác và giảm độ ẩm.
Rác được đưa từ từ vào lò đốt và sấy khô trước khi chuyển sang đốt. Dựa vào sức nóng của quá trình đốt, nước bốc hơi làm quay turbin phát điện. Sản lượng điện phát ra mỗi ngày khoảng 150.000 KWh, tỉ lệ sản lượng điện dùng lại cho nhà máy là 20%, còn lại bán cho điện lực. Trong khi đó, phần tro xỉ được lấy ra khỏi lò với tỉ lệ khoảng 17% tổng khối lượng rác đem đốt và được pha trộn thêm cát, xi-măng, phụ gia để sản xuất gạch không nung, để lát vỉa hè.
Tro bay được kiểm định chỉ phát sinh 2,9% tổng khối lượng, được thu qua các túi lọc khí, sử dụng hóa chất để cố định, chứa trong các bao và vận chuyển đi chôn lấp. Nước rỉ rác phát sinh trung bình khoảng 110 m3/ngày và được xử lý đạt chuẩn, tái sử dụng làm mát lò đốt. Khí thải được xử lý bằng hệ thống khử axít, lọc bụi túi vải, than hoạt tính và được quan trắc liên tục các thông số về bụi, khí…
Tận mắt chứng kiến quá trình vận hành nhà máy từ khâu cấp rác, ủ rác, đốt rác đến những khâu xử lý khác, ông Nguyễn Huệ (tổ trưởng tổ 68, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho hay không hề thấy phát tán mùi hôi. Ông kỳ vọng Đà Nẵng cũng sẽ có một nhà máy điện rác như vậy tại địa phương.
"Chúng tôi rất ủng hộ TP Đà Nẵng đầu tư nhà máy hiện đại như thế. Tuy nhiên, cần có chủ trương xây dựng dự án xử lý rác thải đồng bộ, quy mô để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân và môi trường xung quanh" - ông Huệ mong mỏi.
Bình luận (0)