Đó là những bức thư còn thơm mùi mực của các em học sinh ở Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), mì gạo thơm của người dân đất tổ Phú Thọ, là những chậu quất trĩu quả, những bó lá dong, những cân nếp để người dân, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa gói, nấu bánh chưng đợi phút giao thừa.
Đó là những món quà gần gũi, đong đầy yêu thương từ đất liền để gửi Xuân ra đảo. Trong số những món quà ấy, các nhà báo đi theo tàu ra Trường Sa dừng lại lâu hơn bên những chiếc xe đạp được bọc giấy xốp rất cẩn thận. Một sĩ quan của Lữ đoàn Trường Sa giải thích đó là món quà được gửi tặng đến các em học sinh đang theo học tại Trường Sa. Nhà các em cách trường không xa lắm, có thể chạy vù là đến, nhưng những chiếc xe đạp kia là niềm mơ ước bấy lâu của nhiều em nơi Trường Sa. Tuổi thơ luôn gắn với chiếc xe đạp. Dẫu là tuổi thơ ở đảo xa vẫn phải được thụ hưởng những điều đơn giản ấy.
Người đại diện của Câu Lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương bảo rằng họ đã chuẩn bị rất cẩn thận cho từng món quà Tết để gửi đến chiến sĩ và người dân Trường Sa. Bởi đó không đơn thuần là món quà, mà còn là cả tấm lòng, là niềm tin, là sự gửi gắm của đất liền đối với những người đang làm nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc. Trong số những món quà ấy, bất chợt các chiến sĩ hải quân reo lên. Đấy là một lá cờ Tổ quốc có đầy đủ chữ ký huấn luyện viên và cầu thủ của đội tuyển bóng đá U22 vừa giành tấm huy chương vàng chờ đợi suốt 60 năm tại đấu trường SEA Games. Niềm tự hào ấy sẽ được lan tỏa đến mọi nẻo biên cương, hải đảo.
Và tiếng reo ấy thêm một lần nữa vang lên khi đại diện Báo Người Lao Động trao 10.000 lá cờ Tổ quốc để kịp đến tay người dân, chiến sĩ đón Tết. Xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã phát động và thực hiện Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Chương trình với mong muốn tiếp sức, động viên tinh thần cho ngư dân 28 tỉnh, thành có biển; để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, để người lính chắc thêm tay súng, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chương trình còn có ý nghĩa tạo ra sự gắn bó, kết nối trong toàn xã hội nhằm chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày đầu năm mới Canh Tý, từng nóc nhà, từng điểm đảo ở Trường Sa sẽ sáng bừng màu cờ đỏ sao vàng.
Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Lữ đoàn 146 Hải quân, cho biết 100% chiến sĩ ở lại đảo trong Tết này đều viết đơn tình nguyện. Nhìn những khuôn mặt trẻ trung và bừng bừng khí thế của những người lính chuẩn bị ra đảo làm nhiệm vụ trong Tết này, tôi hiểu đấy là tình yêu Tổ quốc. Tình yêu ấy được tiếp thêm ngọn lửa từ tấm lòng của cả nước hướng về Trường Sa trong mùa Xuân này.
Bình luận (0)