Đập mở cửa xả đáy, hàng ngàn m3 nước sôi sục tung bọt trắng xóa, cuộn chảy qua cửa đập - Ảnh: Văn Duẩn
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, khoảng 13 giờ ngày 4-8, mực nước hồ Sơn La ở cao trình 199,27 m, lưu lượng nước về hồ 10.379 m3/s, tổng lưu lượng xả 2.323 m3/s (lưu lượng chạy máy phát điện). Còn hồ Hòa Bình ở cao trình 105,91 m, lưu lượng đến hồ 3.907 m3/s, tổng lưu lượng xả qua các tổ máy phát điện là 2.362 m3/s (lưu lượng chạy máy phát điện).
Căn cứ nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lưu lượng nước về hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La tiếp tục tăng nhanh. Lúc 19 giờ ngày 4-8, lưu lượng nước đến hồ Lai Châu khoảng 5.200 m3/s, hồ Sơn La khoảng 10.500 m3/s và diễn biến tình hình thực tế hiện nay, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai lệnh giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình mỗi nhà máy mở 1 cửa xả đáy.
Cụ thể, thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy vào lúc 8 giờ sáng nay 5-8 và thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy vào lúc 10 giờ ngày 5-8.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng yêu cầu lãnh đạo 2 thủy điện trên theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan để điều hành trong thời gian tới sát với thực tế.
Trước đó, tại thủy điện Tuyên Quang, khoảng 7 giờ sáng 4-8, mực nước hồ ở cao trình 107,42 m, vượt 2,22 m so với mực nước cho phép, lưu lượng nước về hồ 1.331 m3/s. Do vậy, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu thủy điện Tuyên Quang phải mở 1 xả đáy vào lúc 14 giờ cùng ngày.
Thủy điện Hòa Bình mở của xả đáy để xả lũ - Ảnh: Văn Duẩn
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp ở miền Bắc, cùng với việc phải xả lũ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng đã có công điện yêu cầu các địa phương miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Sơn La, Hòa Bình bằng mọi biện pháp khẩn trương tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh, trên sông, ven sông biết về thông tin xả lũ để chủ động ứng phó.
Đặc biệt lưu ý tại các vị trí đã xuất hiện dấu hiệu sạt, lún đất; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy... để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để chủ động ứng phó. Sẵn sàng phương án di dời lồng bè, dân cư ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương tăng tần suất đưa tin trên các phương tiện thông tin nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã về việc xả lũ các hồ chứa; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ cho người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai ứng phó giảm thiểu thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra.
Bình luận (0)