Tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào để mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long gấp 5 lần hiện tại.
Đô thị lớn nhất cả nước
TP Hạ Long sau khi sáp nhập có diện tích 1.119,36 km2 với dân số 300.267 người. Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm 20 phường thuộc TP Hạ Long hiện tại, thị trấn Trới và 12 của huyện Hoành Bồ.
TP Hạ Long sẽ là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Đây sẽ là đô thị lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên và cả số đơn vị hành chính. Trong tương lai gần, TP Hạ Long sẽ trở thành hạt nhân của TP trực thuộc trung ương.
Việc hình thành “đại đô thị” Hạ Long góp phần nâng tầm kỳ quan vịnh Hạ Long
Hạ Long hiện là một trong 4 TP và là thủ phủ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh với vịnh Hạ Long - được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Hạ Long cũng có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Bắc Việt Nam, gần 2 đô thị lớn là thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng.
Trong khi đó, Hoành Bồ là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, có quỹ đất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên, rừng ngập mặn lớn và đa dạng sinh học; cảnh quan môi trường độc đáo đặc sắc; văn hóa bản địa phong phú.
Ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, đánh giá: "Tiềm năng về đất đai, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, cảnh quan tự nhiên của Hoành Bồ chắc chắn sẽ bổ khuyết cho những hạn chế của Hạ Long khi quỹ đất đang chật chội và nâng tầm kỳ quan vịnh Hạ Long trong xu thế phát triển du lịch, dịch vụ. Từ đó tạo sức bật mạnh mẽ cho TP Hạ Long".
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết với mục tiêu xây dựng Hạ Long thành TP trực thuộc trung ương, cần có hạt nhân khởi động đủ tầm. Việc sáp nhập này sẽ tạo cho TP Hạ Long mới một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm mà còn trong tương lai xa.
Hướng mục tiêu TP trực thuộc trung ương
Tỉnh Quảng Ninh xác định việc sáp nhập 2 địa phương đặt ra nhiều thách thức. Đó là việc tinh giảm và thay đổi công tác tổ chức cán bộ. Ngoài ra, sẽ có một số địa danh quen thuộc với người Hoành Bồ nay bị thay đổi hoặc mất đi, gây xáo trộn đời sống và tâm tư của người dân.
Ông Nguyễn Anh Tú, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ, cho rằng: "Việc sáp nhập 2 địa phương kiểu gì cũng gây ra tâm tư trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức. Chẳng hạn, 2 ông trưởng phòng thì biết chọn ai, đó là chưa kể nhiều cán bộ đang là thành ủy viên, thường vụ huyện ủy… Tuy nhiên, vấn đề này tỉnh đã lường trước và có sự sắp xếp bộ máy phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao với anh em cán bộ, công chức".
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: "Việc nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ để bảo đảm tiêu chí về diện tích, dân số của đô thị mà quan trọng hơn là tạo được không gian cho sự phát triển xứng tầm của đô thị du lịch biển và đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời thúc đẩy Hoành Bồ phát triển toàn diện. Đây là thời cơ vàng tạo ra động lực, nguồn lực mới, giá trị khác biệt vì sự phát triển chung của Quảng Ninh, hướng tới mục tiêu Quảng Ninh sớm trở thành TP trực thuộc trung ương".
Để hiện thực hóa chủ trương này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nêu rõ song hành với việc tăng cường toàn diện các mặt công tác quản lý trong quá trình sắp xếp, Quảng Ninh sẽ tập trung tăng cường sức mạnh nội lực, nâng cao tính chủ động trong phát triển kinh tế.
Trước mắt, để thu hút các nhà đầu tư, Quảng Ninh sẽ xây dựng 2 cây cầu qua vịnh Cửa Lục để kết nối Hạ Long với Hoành Bồ, đường nối KCN Cái Lân với KCN Việt Hưng vào đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông khu vực Hoành Bồ bằng nguồn ngân sách của tỉnh.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới, nâng cấp các trục giao thông kết nối các đô thị Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều…
Cử tri đồng lòng
Bà Đoàn Thị Minh (trú thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ) cho biết những ngày qua, người dân trong huyện rất vui mừng khi cử tri 2 địa phương Hoành Bồ và Hạ Long nhất trí cao thông qua đề án nhập địa giới hành chính Hoành Bồ vào Hạ Long.
Theo bà Minh, sau khi sáp nhập, cần đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh nhằm sớm đưa các xã về đích chương trình này. Sau đó, bắt tay tiếp vào xây dựng đô thị văn minh nhằm giúp các địa phương huyện Hoành Bồ đuổi kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các phường trung tâm của TP Hạ Long.
Còn ông Lê Quang Trung (trú khu 4, phường Hồng Gai, TP Hạ Long) cho rằng việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế của 2 địa phương. Riêng người dân huyện Hoành Bồ sẽ có cơ hội được hưởng thụ mức đời sống cao hơn.
Bình luận (0)