Bộ Nội vụ chưa đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh nào. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tại buổi họp báo ngày 19-7, cung cấp thông tin về các nội dung phục vụ kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XV; tổng kết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021.
Phải đánh giá tác động
Đề xuất sắp xếp các ĐVHC, trong đó có cấp tỉnh, được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua. Nội dung này được Bộ Nội vụ nêu trong dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ QH và việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021.
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, từ năm 2022-2026 thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã và làm điểm sắp xếp một số ĐVHC cấp tỉnh chưa đạt 50% một trong 2 tiêu chuẩn (tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 100%) về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.
Đến năm 2030, hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC các cấp phù hợp với tiêu chuẩn đã được sửa đổi, bổ sung và phù hợp với quy hoạch tổng thể ĐVHC của cả nước. Cũng theo Bộ Nội vụ, các tỉnh làm điểm sẽ trình Trung ương, Bộ Chính trị, QH, xem xét cụ thể từng trường hợp.
Bộ Nội vụ họp báo cung cấp một số thông tin về đề xuất sáp nhập tỉnh
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết sáp nhập tỉnh là vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận và thực tiễn.
"Bộ Nội vụ chưa đưa ra danh sách, cũng chưa đề nghị lên cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, còn liên quan đến các vấn đề an ninh quốc phòng, văn hóa. Quá trình xây dựng đề án phải làm rất nhiều bước, nhiều chiều, đặc biệt phải đánh giá tác động qua nhiều vòng thẩm tra" - ông Thăng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết cơ quan này đang tập trung nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của ĐVHC trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và cần phải lấy ý kiến rộng rãi, qua nhiều vòng. Theo ông Thăng, đây là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện nhằm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ QH xem xét, sửa đổi một số điều quy định về tiêu chuẩn và phân loại ĐVHC các cấp xã, huyện và tỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng lý giải dự thảo sửa đổi, bổ sung này mới chỉ là bước đầu, còn một số nội dung tiếp tục thực hiện. Ngoài 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số còn một số vấn đề như vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thống và lối sống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế...
Không nên quá cứng nhắc
Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của cấp tỉnh hiện được quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ QH năm 2016. Theo đó, quy mô dân số của các tỉnh miền núi, vùng cao là từ 900.000 người trở lên; các tỉnh không phải miền núi, vùng cao là từ 1,4 triệu người trở lên. Về tiêu chuẩn diện tích, các tỉnh miền núi, vùng cao phải đạt từ 8.000 km2 trở lên; tỉnh không phải miền núi, vùng cao là từ 5.000 km2 trở lên.
Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, các tỉnh có dân số thấp nhất cả nước tập trung chủ yếu ở khu vực vùng núi phía Bắc. Tỉnh Bắc Kạn chỉ có dân số hơn 313.900 người. Một số tỉnh có diện tích nhỏ như Bắc Ninh 822,7 km2, Hà Nam 860,9 km2...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu QH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng cần xem xét sáp nhập một số tỉnh có dân số quá thấp, từ đó giảm bớt số ĐVHC cấp tỉnh. Hơn nữa, sẽ giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách hằng năm rất lớn. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn sáp nhập tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn, cản trở về công tác cán bộ, sự khác biệt giữa lịch sử, văn hóa, nhất là khi quyền lợi bị đụng chạm hoặc đối mặt với bài toán dôi dư cán bộ.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng đối với một số tỉnh miền núi, vùng cao, nếu sáp nhập sẽ gây khó khăn cho công tác điều hành, quản lý vì địa hình phức tạp, để di chuyển từ xã này tới xã khác, thậm chí tính bằng ngày.
"Chúng ta không nên quá cứng nhắc về các tiêu chuẩn diện tích và quy mô dân số để rồi "cộng gộp" các tỉnh với nhau. Như một số tỉnh ở vùng đồng bằng có kinh tế phát triển, đời sống người dân ổn định thì có thể tập trung vào các giải pháp về quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng để cân bằng giữa diện tích và dân số... thay vì tính đến phương án sáp nhập tỉnh, dễ gây xáo trộn" - ông Thưởng phân tích.
Chưa ấn định thời gian trình đề án
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, căn cứ Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, chuẩn bị xây dựng đề án thực hiện thí điểm sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Việc đề xuất thí điểm mới chỉ ở bước đầu của việc nghiên cứu, xem xét. Bộ Nội vụ sẽ trình đề án vào thời điểm thích hợp, không ấn định một thời điểm cụ thể trong năm 2022.
Bình luận (0)