Sau khi huy động cần cẩu cùng xà lan tải trọng lớn, lực lượng cứu hộ đã đưa xe tải mang biển kiểm soát 78C-046.27 gây ra sự cố sập cầu từ đáy kênh Tháp Mười 2 lên xà lan để đưa ra khỏi hiện trường, trả lại an toàn cho luồng giao thông.
Hiện trường vụ cầu BOT Tân Nghĩa bị sập
Ngoài ra, để đảm bảo cho người dân thuận tiện đi lại sau sự cố sập cầu BOT Tân Nghĩa, địa phương đã bố trí bến đò ngang để đưa người và phương tiện xe 2 bánh qua sông. Bến đò cách vị trí cầu Tân Nghĩa khoảng 100 m, đưa đón 24/24 giờ, hoàn toàn miễn phí.
Bên cạnh đó, việc phục vụ nhu cầu đi lại người dân, chính quyền địa phương cũng bố trí phương tiện phà phục vụ cho hành khách; đối với phương tiện xe 2 bánh có thể chọn cách qua đò tại vị trí nói trên. Đối với xe từ 4 – 45 chỗ ngồi, bố trí 2 tàu lớn và 2 tắc ráng. Việc phục vụ này được duy trì 24/24.
Xe tải gây sập cầu BOT được trục vớt thành công với cần cẩu lớn. Ảnh: Internet
Theo ông Trần Trí Quang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp: "Trong vài ngày tới, từ nguồn cầu dự trữ, chúng tôi bắc lại nhịp chính mới cho cầu đúng thiết kế ban đầu. Nhịp cầu thay thế bằng thép, dài 30 m, rộng 4,2 m. Trong vòng 7 ngày, nhịp cầu được lắp đặt xong, giao thông sẽ trở lại bình thường. Hiện chính quyền địa phương đã bố trí đò đưa miễn phí cho người đi xe máy, xe đạp và đi bộ...".
Như đã thông tin, khoảng 13 giờ 25 phút ngày 31-5, cầu Tân Nghĩa bị gãy đôi, gây tắc nghẽn giao thông của người dân tại địa phương. Trước khi cầu sập, người dân phát hiện một chiếc xe tải chở bột mì di chuyển ngang cầu. Trên xe có một tài xế và phụ xế.
Phương tiện được bố trí phục vụ nhu cầu đi lại của người dân
Vụ tai nạn làm 1 xe ba gác đang chạy trên cầu rơi xuống lòng kênh, cùng với xe tải. Nhịp giữa cầu BOT Tân Nghĩa sau khi bị sụp xuống kênh Tháp Mười 2 đè lên ghe tải sắt 32 tấn.
Tài xế xe tải sau khi gây ra vụ sập cầu đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Ngày 1-6, trong lúc nỗ lực đưa xe tải lên bờ, cần cẩu cứu hộ bị gãy khiến xe tải một lần nữa rơi xuống kênh.
Theo kết quả xác minh ban đầu, xe ôtô tải mang biển số 78C 046.27 do ông Hồ Thế Hữu (ngụ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) làm chủ, chở hàng hóa (khoai mì) có tổng tải trọng khoảng 17.300 kg, lưu thông làm sập cầu. Thượng tá Nguyễn Văn Luận, Phó Trưởng Công an huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), cho biết thông qua công tác xác minh, bước đầu xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố sập nhịp giữa của cầu Tân Nghĩa là do tải trọng xe ôtô tải quá tải so với trọng tải cho phép qua cầu.
Cầu Tân Nghĩa bắc qua kênh Nguyễn Văn Tiếp có chiều dài 150 m, rộng 4,2 m, trọng tải 8 tấn. Cầu được xây dựng với tổng kinh phí thực hiện hơn 5 tỉ đồng, thời gian thu phí theo hình thức BOT từ năm 2007 đến tháng 2-2019. Sau thời gian thu phí đến tháng 2 vừa qua, cơ quan chức năng địa phương vừa thống nhất mua lại trạm thu phí từ nhà đầu tư, tạm ngừng thu phí sau hơn 11 năm thu phí.
Do cầu Tân Nghĩa nằm trên tuyến huyện lộ Tân Nghĩa - Gáo Giồng, thường ngày phục vụ hàng ngàn lượt người dân của 3 xã Tân Nghĩa, Phong Mỹ và Gáo Giồng huyện Cao Lãnh đi lại, nên sự cố sập cầu đã khiến giao thông trên tuyến bị tê liệt.
Bình luận (0)