"Năm 2016, gia đình tôi mới có một căn nhà riêng sau thời gian dài ở nhờ nhà ông bà ngoại hay ở trọ. Giờ tôi cố gắng thi đấu thật tốt để có thành tích, giúp ba mẹ đỡ vất vả hơn" - vận động viên (VĐV) Lê Thanh Tùng chia sẻ sau khi trở về với tấm huy chương vàng (HCV) thể dục dụng cụ ở SEA Games 29.
Lên sàn tập từ 5 tuổi
Sinh năm 1995, Lê Thanh Tùng sớm biết đến thể dục dụng cụ khi mới 4 tuổi.
Ngày đó, do gia đình không có nhà riêng nên cha mẹ Thanh Tùng ở nhờ nhà ông bà ngoại tại quận 1, gần khu vực nhà tập luyện thể dục thể thao của đội tuyển TP HCM trên đường Trần Hưng Đạo. Thanh Tùng có một người anh họ tập thể dục dụng cụ. Bạn bè của anh thường qua nhà ông bà ngoại chơi. Vì thế, Thanh Tùng đi theo các anh ra nhà tập để làm quen.
Bốn tuổi, Thanh Tùng đã biết đến các dụng cụ tập luyện xà đơn, xà kép, vòng treo... Đến 5 tuổi thì Tùng chính thức bước vào tập luyện thể dục dụng cụ thay vì chỉ đến nhà tập chơi như mọi khi. "Lúc vào chơi, nhìn các anh tập, tôi thấy thích lắm! Nhưng khi chính thức bước vào tập luyện thật sự thì sợ hãi vô cùng. Các động tác đè dẻo rất đau nên tôi khóc hoài" - Tùng kể lại.
Vận động viên Lê Thanh Tùng đoạt HCV thể dục dụng cụ ở SEA Games 29
Khi học tiểu học, Tùng thường đi học cả ngày. Chiều về đến nhà, sau khi thay quần áo, anh lại chạy sang nhà tập để tập với huấn luyện viên đến 20 giờ mới về.
Khi học lớp 3, Thanh Tùng và 3 vận động viên thể dục dụng cụ khác của đội TP HCM được đưa sang Quảng Tây - Trung Quốc tập huấn dài hạn. Lúc sang rất háo hức nhưng sau 3 ngày, cả đội ai cũng khóc vì nhớ nhà. Cứ người này khóc, những người khác lại khóc theo.
Tám năm liền, đội thể dục dụng cụ TP HCM tập huấn ở Quảng Tây nên mỗi năm, Tùng chỉ được về nhà vào dịp cuối năm rồi lại đi tiếp. Việc học văn hóa cũng thay đổi, đội thể dục dụng cụ TP HCM học cùng đội thể dục dụng cụ Hà Nội, cùng sang tập huấn với một giáo viên vừa dạy toán kiêm cả dạy tiếng Việt. Những đứa trẻ ngày rời vòng tay cha mẹ để đi tập huấn như Tùng sau 8 năm trở về nhà đã trở thành những chàng thanh niên 16-17 tuổi. Họ nói tiếng Trung rành hơn cả tiếng Việt.
Hy sinh thầm lặng
Con đường đến thành công của Thanh Tùng cũng giống như nhiều vận động viên thể dục dụng cụ khác. Tập luyện từ nhỏ, sau đó đi nước ngoài tập huấn dài hạn nên khi về Việt Nam, đường sá không rành, nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống hạn chế. Song đổi lại, sau 8 năm cực khổ ở xứ người, năm 2013, Thanh Tùng đã trở thành một vận động viên tiềm năng của thể dục dụng cụ Việt Nam.
Bắt đầu thi đấu ở những giải trẻ quốc gia, sau đó là Giải Vô địch quốc gia, Giải Học sinh - Sinh viên Đông Nam Á, Thanh Tùng để lại ấn tượng trong lòng giới chuyên môn về một vận động viên được đào tạo bài bản, có khả năng phát triển. Tuy nhiên, đằng sau những tấm huy chương lấp lánh, Tùng bị chấn thương hành hạ ở khắp cơ thể. Chân, tay, cổ, vai... chỗ nào cũng đau nhức. Thế nhưng tuyệt nhiên không bao giờ Tùng nói với cha mẹ về những đau đớn mình đã trải qua.
"Ba tôi chạy xe ôm cả ngày, mẹ thì 4 giờ đã dậy để chuẩn bị hàng bán. Ba mẹ vất vả quanh năm kiếm sống, vì thế tôi cũng không muốn nói những cực nhọc của mình vì sợ ba mẹ đau lòng. Nhưng tôi không nói ra thì ba mẹ cũng hiểu. Mẹ tôi bán bánh mì trên vỉa hè cực lắm! Tôi nói hay mẹ chuyển nghề khác nhưng mẹ nói biết làm gì" - Tùng chia sẻ.
Năm 2013, Tùng bị chấn thương nặng vì rơi từ trên xà xuống đất, đập vào nền xi măng và phải nhập viện 3-4 ngày. Cứ tưởng sau lần đó, Thanh Tùng không tập được nhưng rất may anh đã vượt qua thời điểm khó khăn đó. Năm 2015, Thanh Tùng gây ấn tượng tại SEA Games 28 với 1 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội cùng đội thể dục dụng cụ nam. Ở SEA Games 29, Thanh Tùng cùng đồng đội tiếp tục giành HCV đồng đội và 1 HCV cá nhân nội dung nhảy chống đơn nam.
"Với số tiền thưởng có được sau SEA Games cộng thêm tiền lương dành dụm sau nhiều năm thi đấu, tôi quyết định gom toàn bộ tiền tích cóp để mua một căn nhà nhỏ ở quận 4, TP HCM. Từ giờ, cha mẹ tôi không còn lo cảnh phải ở nhờ, ở thuê nữa".
Hai trăn trở của vận động viên
Đời vận động viên ngắn ngủi nhưng cuộc sống sau khi giải nghệ lại rất dài. Với nhiều vận động viên, cả tuổi thanh xuân gắn liền với việc cống hiến tài năng cho thể thao nước nhà nên đôi khi việc học hành bị bỏ bê. Không ít người khi giải nghệ lập tức phải đối mặt với bộn bề khó khăn trong cuộc sống.
Theo chia sẻ của cựu nữ hoàng điền kinh Vũ Thị Hương, 2 điều mà nhiều vận động viên luôn canh cánh trong lòng từ lúc thi đấu đến khi giải nghệ là làm thế nào tích cóp đủ tiền lo cho cuộc sống gia đình, thậm chí mua được nhà thì đã mãn nguyện; thứ hai là việc có được BHYT.
Theo Vũ Thị Hương, điều 32 Luật Thể dục thể thao quy định trong thời gian tập luyện và thi đấu, các vận động viên có quyền được chăm sóc, chữa trị chấn thương, được tham gia BHYT, BHXH. Tuy nhiên, không phải vận động viên nào cũng được nhận BHYT. Như trường hợp đau lòng của cựu á quân ASIAD Hoàng Hà Giang qua đời ở tuổi 24. Khi cô mắc bệnh, nếu có thẻ BHYT, cuộc sống của Giang có lẽ đã không vất vả nhiều. Hoàng Hà Giang đã phải tự bươn chải, làm việc kiếm tiền chữa bệnh. Còn rất nhiều trường hợp đau xót như vậy và đó cũng là bài học mà nhiều vận động viên trước khi giải nghệ đều rất muốn tránh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-9
Bình luận (0)