Trong các ngày từ 9 đến 11-7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xả khoảng 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc xả lượng nước lớn vào khiến sông Tô Lịch thay đổi bất ngờ, từ màu nước đen, ô nhiễm trước chuyển sang nước khá trong và xanh.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi được thau rửa bằng nước hồ Tây thì nước sông Tô Lịch lại bắt đầu chuyển màu, trở về trạng thái đen kịt như trước đó, kèm theo nhiều loại cá chết, bốc mùi hôi thối những ngày qua.
Nhiều loại cá sau khi mới theo dòng nước xả từ hồ Tây vào sông Tô Lịch đã chết trắng
Trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết sau khi xả nước vào sông Tô Lịch thì có hiện tượng cá chết, điều này là hiện tượng bình thường. Khi xả nước từ hồ Tây vào thì nhiều loại cá theo dòng chảy vào sông Tô Lịch, nhưng vì sông Tô Lịch môi trường quá bẩn nên nhiều loại cá vốn sinh sống ở nước hồ Tây khá sạch không thể sinh sống được ở nước sông Tô Lịch.
Nước sông Tô Lịch sau khi được "thau rửa" bằng hơn 1 triệu m3 nước hồ Tây lại trở lại màu đen kịt
Cá chết hàng loạt trên sông Tô Lịch những ngày qua
Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho biết đang trình TP Hà Nội phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây. Từ nguồn nước được bổ cập đó, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ cho xả trực tiếp từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Đây là một trong những phương án được các chuyên gia đánh giá sẽ có hiệu quả làm sạch sông Tô Lịch. Đề xuất lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch, là một nội dung nằm trong dự án "đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch" của Công ty Thoát nước Hà Nội.
Theo đề án này, công ty sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000 m3 mỗi ngày đêm dẫn vào hồ Tây. Sau đó, nguồn nước hồ Tây sẽ được điều tiết bằng cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để giúp làm sạch nước sông Hồng trước khi xả vào sông Tô Lịch.
Không nên và không được cống hóa sông Tô Lịch
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, đề nghị TP "xem xét cống hóa đối với một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu". Ông Tuấn cho rằng việc cống hoá các con sông, kênh mương sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải, đồng thời làm tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông. TP đã có chủ trương các giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm sông, hồ và đây là những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, ô nhiễm sông, hồ tại TP là một tồn tại của quá trình phát triển đòi hỏi nhiều nguồn lực và những biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn.
Ngay sau đó, phát biểu phản biện đề xuất nêu trên, ông Nguyễn Minh Đức, đại biểu quận Thanh Xuân, khẳng định không nên đặt vấn đề bêtông hoá sông Tô Lịch vì đây còn là câu chuyện của địa lý, phong thuỷ, tâm linh. Lâu nay phương án bổ cập nước để dòng sông luôn chảy đã được tính đến để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch; khi có nước chảy thì sẽ giảm được ô nhiễm trước mắt cũng như lâu dài. "Nước sông Tô vừa trong vừa mát/Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh" - ông Đức đọc 2 câu thơ trước HĐND TP để nhấn mạnh Tô Lịch từng là con sông trong xanh, hiền hoà, đồng thời đề nghị TP áp dụng giải pháp bổ cập nước để làm sống lại dòng sông này.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng khẳng định việc cống hóa sông Tô Lịch là không nên và không được phép.
"Sông Tô Lịch dài 14 cây số, không nên cống hóa là vì hiện nay chúng ta đang thiếu yếu tố thiên nhiên trong phát triển đô thị, sông góp phần vào giá trị cảnh quan. Ở Hàn Quốc, trước đây người ta đã lấp 1 con sông chảy giữa thủ đô Seoul, tuy nhiên bây giờ người ta lại khơi thông dòng sông này vì nhận ra được những giá trị vô giá của dòng sông, ngày nay nó điều tiết khí hậu cho TP Seoul rất tốt. Hơn nữa, sông Tô Lịch đã đi vào lịch sử, văn hóa của Hà Nội hàng ngàn năm qua. Chúng ta không nặng lòng về những gì vướng mắc để TP phát triển, nhưng rõ ràng TP là phải có ký ức, trong đó có những di sản kiến trúc, có công trình lịch sử, những dấu ấn về cảnh quan" - kiến trúc sư Ngô Doãn Đức lý giải.
Ông Ngô Doãn Đức nhấn mạnh động tới sông Tô Lịch, Kim Ngưu… là động tới cả một nền văn minh sông Hồng đối với những dòng sông Hà Nội. Nếu như nước Anh không có dòng sông Thames, nước Pháp không có dòng sông Seine (sông Sen)… thì cũng không làm nên thương hiệu của các nước này như ngày nay.
Chiều ngày 9-7, cuối phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP, cho biết hiện các đơn vị liên quan đang thí điểm nhiều công nghệ mới để "hồi sinh" sông Tô Lịch và các ao hồ trên địa bàn TP.
"Với công nghệ mới, chúng ta đã xử lý rất hiệu quả tình trạng ô nhiễm ở các ao hồ. Nếu chất này (chế phẩm Redoxy3C) đưa xuống sông Tô Lịch mà nước "đứng" thì xử lý được như các hồ ngay" - ông Chung khẳng định.
Ông Chung cho rằng vấn đề hiện nay là sông Tô Lịch vẫn là dòng chảy, nên TP đang áp dụng các công nghệ thí điểm làm sạch. Trước mắt Hà Nội sẽ cố gắng làm cho con sông này hết mùi. Vấn đề tiếp theo, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Khi nhà máy hoàn thành, một phần nước thải của Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng… được thu gom, xử lý.
Bình luận (0)